Thứ 7, 23/11/2024, 10:53[GMT+7]

Quỳnh Minh Thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ 3, 26/08/2014 | 08:27:25
1,304 lượt xem
Mặc dù có lợi thế về đất đai màu mỡ, nông dân có kinh nghiệm sản xuất rau màu nhưng trước đây đất nông nghiệp của xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) chủ yếu là canh tác lúa, cây màu trồng rải rác, tự phát, thiếu quy hoạch, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong những năm gần đây Quỳnh Minh đã quy hoạch, xây dựng thành công nhiều vùng sản xuất cho năng suất, giá trị kinh tế cao.

Nông dân xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) chăm sóc cây trồng trên các vùng chuyên màu.

 

Năm 2009, khi được tỉnh chọn là một trong 8 xã điểm xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới, cùng với việc phát triển diện tích trồng lúa chất lượng cao, Quỳnh Minh đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên màu thành một điểm nhấn quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân; phấn đấu đưa 70% diện tích đất nông nghiệp đạt giá trị 60 triệu đồng/ha/năm, riêng vùng chuyên màu đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha/năm.

 

Ông Ðặng Văn Ðằng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Quỳnh Minh cho biết: Từ vụ xuân năm 2010, xã đã quy hoạch đồng ruộng thành 4 vùng sản xuất chính gồm: vùng chuyên màu 25 ha, vùng đất 2 lúa 120 ha, vùng đất 2 lúa và 1 vụ đông 100 ha, vùng chăn nuôi tập trung 17 ha. 4 cánh đồng được quy hoạch chuyên màu gồm 6 thôn: Ðịa Linh, Ðông Trụ, Thượng Xá, An Ký Tây, An Ký Trung, An Ký Ðông, công thức luân canh là màu xuân -  màu hè thu -  màu đông. Ngay từ vụ đầu chuyển đổi, hầu hết những cây màu đưa vào trồng đều có thu nhập cao hơn cấy lúa 2 - 3 lần, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên, nâng cao hệ số sử dụng đất.

 

Ðối với diện tích đất 2 lúa, xã chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng mở rộng vùng lúa chất lượng cao làm hàng hóa chiếm 30% diện tích gieo cấy hàng năm với đa dạng các giống như N87, N97, Hương thơm, Bắc thơm... Ðầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là bài toán khó với đa số nông dân, nắm bắt được khó khăn này, ngay từ năm 2002, HTX DVNN Quỳnh Minh đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu Hải Dương thu mua rau màu của nông dân như dưa, bí xanh, bí đỏ… Từ vụ xuân 2010, khi vùng chuyên màu được đưa vào quy hoạch, sự liên kết giữa nông dân với HTX DVNN và doanh nghiệp càng trở lên chặt chẽ. Doanh nghiệp ngoài việc bảo đảm bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn ứng trước hạt giống, vật tư nông nghiệp như giàn lưới, róc cắm…, phương tiện thu mua, bảo quản, vận chuyển. HTX DVNN mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tạo điều kiện để nông dân không gặp khó khăn trong sản xuất.

 

Nhờ các biện pháp trồng luân canh, xen canh, hệ số sử dụng đất trồng rau màu của xã tăng lên 4 - 5 lần/năm; thu nhập cũng theo đó tăng nhanh đạt từ 6 - 8 triệu đồng/sào/vụ. Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, UBND xã đã giao cho HTX DVNN xây dựng đề án sản xuất, kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ khi có khó khăn. Trước cách làm chủ động đó, nông dân Quỳnh Minh đã hăng hái tham gia sản xuất, ngoài canh tác trên diện tích đất chuyên màu, vụ đông đã được bà con nông dân phủ kín trên 60% diện tích đất hai vụ lúa, với trên 165 ha, trong đó cây ớt chiếm 50%, còn lại là ngô, dưa, bí, rau các loại.

 

Riêng vụ đông năm 2013, ớt kim cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/sào, bí xanh, đỗ xào thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/ sào, rau màu khác thu từ 4 - 5 triệu đồng/sào. Tổng thu nhập vụ đông 2013 toàn xã đạt 32 tỷ 076 triệu đồng. Vụ hè thu 2014, Quỳnh Minh đưa vào thử nghiệm trồng cây mướp đắng với 130 hộ tham gia trên diện tích 6 ha. Ðể mở rộng diện tích mướp đắng, huyện Quỳnh Phụ hỗ trợ hạt giống, HTX DVNN và công ty bao tiêu sản phẩm tổ chức tập huấn, hỗ trợ vật tư cho nông dân. Theo tính toán của HTX DVNN dự kiến vụ hè thu tổng sản lượng mướp đắng đạt từ 150 - 180 tấn quả.

 

Cách làm hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Quỳnh Minh đang mang lại đời sống ấm no cho bà con nông dân, đồng thời củng cố vững chắc những thành tựu mà Quỳnh Minh đã đạt được trong quá trình xây dựng và trở thành xã nông thôn mới.

  Trịnh Cường

 

  • Từ khóa