Chủ nhật, 17/11/2024, 04:53[GMT+7]

Thái Thụy Khai thác thế mạnh ven biển, đột phá trong phát triển kinh tế

Thứ 6, 29/10/2010 | 07:17:44
1,441 lượt xem
Trong các ngành kinh tế, nông nghiệp được Thái Thụy ưu tiên tập trung đẩy mạnh phát triển, nhưng cái mới là tổ chức sản xuất sẽ theo quy hoạch, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Vùng nuôi hải sản xã Thụy Xuân - Thái Thụy. Ảnh: Thành Tâm

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2010-2015 huyện Thái Thụy phấn đấu đến năm 2015 tổng giá trị sản xuất đạt 6.234,2 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 17,7%, giá trị sản xuất đạt 82 triệu đồng/người/năm, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,5% đến 1% và giải quyết việc làm mới cho 5.500 lao động. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện cụ thể cho từng lĩnh vực, từng ngành để khai thác mọi nguồn lực, thế mạnh huyện ven biển, quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Năm 2010, toàn huyện quyết tâm sẽ hoàn thành quy hoạch chung và năm 2011 hoàn thành quy hoạch chi tiết. Cùng với quá trình đó, tập trung chỉ đạo xây dựng điểm xây dựng nông thôn mới tại Thụy Trình bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, từ đó rút kinh nghiệm trong toàn huyện; phấn đấu đến năm 2012 hoàn thành việc dồn đổi ruộng đất theo quy hoạch nông thôn mới tại tất cả các xã, thị trấn.

Trên cơ sở của quy hoạch nông thôn mới, tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ giới hoá trong sản xuất; tập trung vào các khâu làm đất, gieo sạ và thu hoạch, tạo sự chuyển biến về chất  trong sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: vùng cấy lúa chất lượng cao, vùng chuyên màu, vùng dưa hấu-bí đá, vùng khoai lang chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng đậu tương ở những xã có chân đất thịt, diện tích cây vụ đông ít.

Cùng với trồng trọt, huyện phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 45,98% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Theo đó, giải pháp đưa ra là: chỉ đạo các xã, thị trấn dựa trên cơ sở quy hoạch nông thôn mới tiến hành quy hoạch chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại xa khu dân cư để giảm ô nhiễm môi trường.

Triển khai xây dựng các cơ sở giống có nguồn giống tốt, tại chỗ, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, tổ chức tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đồng thời tập trung cao khống chế, xử lý dịch cúm gia cầm bảo đảm chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững. Song song với quá trình đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, 5 năm tới kinh tế biển cũng là mũi nhọn trọng tâm Thái Thụy sẽ quyết tâm tạo ra bước đột phá mới.

Đối với nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hoàn thiện quy hoạch, cải tạo thủy lợi các vùng nuôi tập trung lớn ven biển từ Thái Đô đến Thụy Trường, lập quy hoạch và quản lý vùng ngao bãi triều. Với các vùng đầm, vẫn duy trì diện tích hiện có, nâng cấp bờ ao, cải tạo lại hệ thống thủy lợi để nuôi sinh thái theo hướng bền vững, vận động các hộ dồn đổi cho nhau để quy thành vùng lớn nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh để nâng cao hiệu quả. 

Kết hợp nuôi sinh thái với việc mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, thực hiện đa dạng hoá con nuôi theo hình thức xen ghép hoặc luân  canh theo mùa vụ, không tuyệt đối hoá một đối tượng tôm sú, tổ chức nuôi thí điểm ngao tại các đầm ngoài đê biển để nhân ra diện rộng.

Cùng với đó, huyện  sẽ tổ chức và quản lý tốt các dịch vụ về giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, môi trường nước và công trình hạ tầng phục vụ nghề nuôi, tập huấn kỹ thuật để nuôi trồng đạt hiệu quả, hạn chế rủi ro. Trong khai thác hải sản, Thái Thụy chủ trương duy trì, phát triển lực lượng và phương tiện khai thác hải sản tầm trung và xa bờ, ứng dụng các tiến bộ khoa học về ngư lưới cụ, tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức của ngư dân về nghề nghiệp, thiết bị, ngư trường, kỹ thuật đánh bắt và trình độ quản lý, bảo vệ môi trường biển; đồng thời khuyến khích phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015, sản lượng khai thác hải sản đạt khoảng 30.000 ngàn tấn, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề chế biến hải sản phát triển.

Trong phát triển CN-TTCN, hiện tại  Thái Thụy đang tích cực tổ chức sắp xếp lại sản xuất trong các làng nghề theo hướng chuyên sâu; duy trì các nghề truyền thống  như: mây tre đan, móc sợi, mộc, chế biến nông hải sản, hoa hoè; đồng thời tiếp tục mở rộng thêm các nghề mới.

Tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong làng nghề phát triển nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động.  Đẩy mạnh phát triển công nghiệp tập trung tại các cụm công nghiệp Thụy Hà, Thái Thượng, Thụy Phong, Thái Dương và Mỹ Xuyên; tạo cơ chế cho các doanh nghiệp  vào xây dựng hạ tầng, đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp.

Nhiệm vụ trước mắt hiện nay là tập trung cao độ cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho các cụm công nghiệp, nhất là Trung tâm điện lực Thái Bình để triển khai thi công và vận hành đúng tiến độ. Đối với lĩnh vực thương mại – dịch vụ (TMDV),  Thái Thụy chủ trương phát triển theo hướng đa dạng, huy động các thành phần kinh tế tích cực đầu tư vào lĩnh vực này để mở rộng  các loại hình kinh doanh dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm nhằm mở rộng thị trường, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, nông thôn. Mỗi năm sẽ  đầu tư cải tạo từ 6 đến 8 chợ nông thôn, từng bước triển khai xây dựng Trung tâm thương mại  huyện.

Hiện nay, huyện đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch khu du lịch Cồn Đen, từng bước xây dựng hạ tầng các khu du lịch tập trung tuyến ven biển, sau này sẽ mở rộng đầu tư khai thác du lịch sinh thái kết hợp  với du lịch văn hoá tâm linh. Cùng với những giải pháp cho phát triển CN, TMDV, 5 năm tới Thái Thụy quyết tâm khai thác tốt các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng  giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi công cộng.

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn có hạn, nhiều công trình phải đầu tư nên huyện chủ trương tích cực kêu gọi đầu tư, thực hiện cơ chế đấu thầu theo hình thức BOT, BT. Tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động thêm  các nguồn vốn quốc gia, quốc tế, vốn WB, vốn Trái phiếu Chính phủ.

Thực hiện cơ chế “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phân kỳ các hạng mục công trình xây dựng, từng bước tạo kết cấu đồng bộ, hợp lý phục vụ kinh tế - xã hội phát triển.

Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới đặt ra cho Thái Thụy rất nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Những giải pháp thực hiện đã có nhưng nếu chỉ có Nghị quyết không  thì chưa đủ mà rất cần sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của mỗi người dân ngay từ lúc này, có như vậy mục tiêu mới trở thành hiện thực.

Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa