Chủ nhật, 17/11/2024, 04:47[GMT+7]

Tiền Hải Kinh tế biển cần có hướng đi và giải pháp đúng

Thứ 3, 09/11/2010 | 15:34:42
3,186 lượt xem
Tiền Hải là một trong hai huyện biển của tỉnh Thái Bình. Bãi biển Đồng Châu đã vang bóng một thời, nhưng những năm gần đây Đồng Châu đã mất hết thương hiệu, rất ít khách du lịch biết tới, bởi vì các bãi tắm một phần do phù sa ở các cửa sông lớn đổ ra làm nước đục đỏ ngầu, một phần khác là vệ sinh không bảo đảm, nhiều rác bẩn, bèo Nhật Bản trôi dạt.

Ba năm trước tỉnh có chủ trương khôi phục và phát triển trở lại thương hiệu "Đồng Châu". Tỉnh uỷ đã phê duyệt các dự án: xây dựng khu điều dưỡng sinh thái và phố biển Đồng Châu.

Thời gian đi qua nhưng tiến độ đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng triển khai hết sức ì ạch. Các nhà đầu tư e ngại đầu tư vào rồi mà không thu hút được khách, biết đến bao giờ mới thu hồi vốn.

Một dự án khác là "Khu du lịch sinh thái Cồn Vành " được đầu tư  làm đường nối bờ với đảo dài 10 km, sau 10 năm nay đã hoàn thành, nhưng đường bộ từ huyện để bắt vào đường ra đảo 15 km vẫn là đường WB2 (đường giao thông nông thôn) nên phương tiện giao thông đưa khách ra đảo còn nhiều khó khăn.

Gần đây lại có thông tin đảo Cồn Vành hàng năm có biến động là do: Đầu đảo (phía cửa Ba Lạt lúc lở, lúc bồi, có khi đầu dưới bồi, đầu trên đảo lở), vì vậy có những chủ đầu tư có ý tưởng  đầu tư ra đảo phải suy tư, chập chờn, có đầu tư hay không ? Hiện đảo  Cồn Vành chỉ có các cơ sở đầu tư nhỏ lẻ làm các nhà hàng "cao cẳng" đơn sơ bằng tre lá.

Mùa hè khách ra đảo chủ yếu là người trong tỉnh (nam nữ thanh niên), vắng bóng khách ngoại tỉnh. Khách ra đảo sáng đến, tối về vì không có nhà nghỉ qua đêm. Từ Đồng Châu về đảo Cồn Vành, các dự án lớn đều thuộc thẩm quyền tỉnh phê duyệt, huyện chỉ giữ vai trò "sở tại" hỗ trợ nên việc gì cũng dang dở.


Với chiều dài bờ biển 23km, nằm kẹp giữa hai cửa sông lớn là Trà Lý và Ba Lạt (Sông Hồng). Bãi biển Tiền Hải mỗi năm đón nhận hàng triệu mét khối phù sa nền thảm thực vật và thuỷ sản biển phát triển đa dạng, phong phú.

Vùng biển Tiền Hải đã được quốc tế công nhận là "Khu bảo tồn sinh quyển" không bỏ phí sự ưu đãi của thiên nhiên, những năm qua  Tiền Hải đã tập trung làm kinh tế biển từ 3 hướng: Đánh bắt, nuôi trồng và chế biến. Toàn huyện đến thời điểm này có 908 tàu thuyền (tăng 389  chiếc so với năm 2006).

Trong đó vừa và nhỏ có 894 cái, còn tàu công suất lớn 300 - 500 CV chỉ có 14 cái. Vì vậy sản lượng khai thác có tăng nhưng không đáng kể. Năm 2006 đạt 5760 tấn, năm 2010 là 9950 tấn. Giá trị sản xuất năm 2006 đạt 52,9 tỷ đồng, năm 2010 đạt 78,1 tỷ đồng. So với tỉnh ta là lớn, nhưng với các tỉnh ven biển khác vẫn nhỏ nhoi.

Về công việc nuôi trồng tiến bộ nhanh hơn. Tiền Hải đã đưa diện tích nuôi trồng lên 4077 ha. Trong đó nuôi nước lợ là 2050 ha, nuôi nước ngọt là 907 ha, nuôi ngao vùng nước triều từ 950 ha (2006)  lên 1120ha (2010). Nguyên nhân diện tích nuôi tăng là do: xã Đông Minh chuyển cánh đồng sản xuất muối hiệu quả thấp cải tạo thành vùng ao nuôi tôm.

Xã Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh chuyển hàng trăm ha cấy lúa năng suất thấp sang thành vùng nuôi tôm sú, cá nước mặn, cua có thu nhập gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Đặc biệt là nuôi thả ngao đang ở thời điểm siêu lợi nhuận nên vùng nuôi ngao liên tục tăng. sản lượng ngao thương phẩm từ 9000 tấn (2006) lên 24000 tấn (2010). Một số cán bộ huyện tiết lộ, con số trên là rất thấp so với thực tế. Vì vậy phản ánh đầy đủ sẽ dẫn đến tỷ trọng KTB chiếm cao trong SXNN. Trong khi đó thuế khoá lại thấp.

Về chế biến, gần đây Tiền Hải đã chú trọng, nhưng vẫn còn kém so với Thái Thuỵ. Chế biến mới ở dạng sơ chế là chủ yếu, nên tỷ trọng trong kinh tế  biến không đáng mấy.

Kết thúc năm 2010 đạt giá trị sản xuất thuỷ hải sản 425 tỷ đồng/905 tỷ đồng GTSX nông lâm, thuỷ hải sản, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân nông nghiệp năm năm là 7,8%/năm và đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của huỵên 5 năm (2006 - 2010) là 15,7%/năm - đứng thứ nhì toàn tỉnh (sau thành phố).

Tiền Hải đang triển khai xây dựng phương hướng phát triển kinh tế biển đến năm 2015 với các mục tiêu lớn như phấn đấu đạt tổng GTSX đạt 629,35 tỷ đồng, thu hút 6354 lao động. Huyện đã đề ra nhiều giải pháp như tiếp tục  khai thác tăng diện tích nuôi trồng từ 4077 ha (2010) lên 4620 ha (2015) , tăng thêm một số phương tiện mà chủ yếu là đánh bắt xa bờ, thành lập thêm một số cơ sở chế biến ở cảng cá và cụm CN Cửa Lân…

Mặc dù mục tiêu và giải pháp của Tiền Hải đưa ra chi tiết, cụ thể và có tính khả thi cao, song mọi người vẫn băn khoăn về khâu chế biến chưa rõ ràng. Phương hướng và giải pháp đã phù hợp của các dự án mà tỉnh phê duyệt về "Phố biển Đồng Châu", về khu nghỉ mát sinh thái Cồn Vành chưa?

Điều băn khoăn nữa là trong những năm tới trung tâm nhiệt điện Thái Bình (tại Mỹ Lộc Thái Thuỵ) đi vào hoạt động, cửa Trà Lý sẽ là nơi tập kết vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện, hoạt động của các đoàn tàu, xà lan vận chuyển, bốc xếp khuấy đảo cửa sông liệu có ảnh hưởng tới việc nuôi trồng hàng ngàn ha thuỷ hải sản của Tiền Hải và Thái Thuỵ.

Thật khó khăn cho kinh tế biển Tiền Hải sẽ đi về đâu trong những năm sắp tới, cần có lời giải đúng mới mong phát triển bền vững.

Hoàng Duy

 

  • Từ khóa