Thứ 3, 08/07/2025, 00:02[GMT+7]

Hội Làm vườn Ðông Hưng Ðồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

Thứ 5, 26/02/2015 | 08:26:47
1,114 lượt xem
Những năm qua, hội làm vườn các cấp ở Ðông Hưng vừa chú trọng phát triển hội viên, vừa nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tạo niềm tin và đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế.

Mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Lại Như Thảo, xã Đông Sơn (Đông Hưng)mỗi năm cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.

 

Gia đình ông Lã Như Thảo, xóm 5, xã Ðông Sơn (Ðông Hưng) chuyển ra vùng chuyển đổi của xã đến nay đã được 15 năm. Chừng ấy thời gian đủ để gia đình ông nỗ lực xây dựng nên một trang trại khá khang trang, bề thế, mỗi năm bình quân đem về cho gia đình ông từ 250 - 300 triệu đồng. Ông chia sẻ, trước đây chủ yếu cấy lúa nhưng năng suất thấp, đời sống khó khăn. Ðược sự động viên của anh em, bạn bè và của Hội Làm vườn huyện, ông mạnh dạn chuyển ra vùng chuyển đổi. Với trên 6.500m2 đất, gia đình ông dành trên 4.000m2 cấy lúa còn lại đầu tư trên 500 triệu đồng xây dựng kiên cố chuồng trại chăn nuôi lợn, đào ao thả cá, cải tạo trên 1.000m2 vườn trồng rau và cây màu ngắn ngày. Trong chuồng thường xuyên nuôi từ 20 - 30 con lợn thịt và 2 con lợn nái. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi thêm hàng trăm con gà. Mỗi năm gia đình ông bán gần 2 tấn cá, xuất hàng tấn lợn thịt.

 

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Thảo chỉ là một trong hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của các hội viên Hội Làm vườn huyện Ðông Hưng mang lại hiệu quả tích cực. Với vai trò của mình, những năm qua, Hội Làm vườn Ðông Hưng thường xuyên chủ động tìm đến với người nông dân, góp phần tạo cầu nối giúp hội viên tiếp cận với khoa học kỹ thuật, vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Thiều Lai, Phó Chủ tịch thường trực Hội Làm vườn Ðông Hưng cho biết: Trong năm 2014, Hội đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức 40 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa xuân, cây màu và cách sử dụng hợp chất sinh học ET cho gần 5.000 lượt hội viên; tổ chức 2 lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường với gần 200 lượt người tham dự; 16 lớp kỹ thuật chăn nuôi thu hút trên 1.600 lượt hội viên tham gia. Nhiều hội cơ sở còn tổ chức trao đổi kinh nghiệm, đưa hội viên đi tham quan thực tế tìm hiểu các mô hình sản xuất hiệu quả ở cả trong và ngoài huyện. Hội cũng thường xuyên tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm với từng mô hình trước khi nhân ra diện rộng. Ðiển hình như mô hình nuôi ếch Ðài Loan ở xã Liên Giang, mô hình trồng nấm ở xã Phong Châu, làng vườn trồng hoa, cây cảnh ở Minh Tân... 

 

Ngoài diện tích vườn, ao tự nhiên, hàng năm các hội viên còn đầu tư chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá kết hợp xây chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh. Có vốn, có giống lại nắm chắc kỹ thuật sản xuất, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư vốn, dồn đổi ruộng xây dựng chuồng trại sản xuất tập trung theo quy mô gia trại và trang trại. Ðến nay, toàn huyện có 178 trang trại theo tiêu chí mới. Việc tiếp thu cây, con giống mới đưa vào sản xuất đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho nhiều hội viên. Ðiển hình như trang trại nuôi cá và gà công nghiệp của ông Chu Văn Toản, xã Ðông Hà cho thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng/năm; mô hình nuôi lợn nái ngoại của ông Nguyễn Văn Dương, xã Ðông La cho thu nhập 500 triệu đồng/năm; mô hình trồng nấm và chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Tưởng, xã Phong Châu cho thu nhập 150 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương...

 

Với những kết quả đạt được, Hội Làm vườn huyện Ðông Hưng đã góp phần giúp hội viên phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Phát huy kết quả đạt được, năm 2015, Hội Làm vườn Ðông Hưng tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, đa dạng hóa các phong trào thi đua, nhất là phong trào phát triển kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các hội cơ sở đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, đồng thời làm tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ hội viên, góp phần cùng hội viên phát triển sản xuất ổn định và bền vững.

Ngọc Mai

 

  • Từ khóa