Thứ 7, 16/11/2024, 19:58[GMT+7]

Quỳnh Phụ Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Thứ 5, 25/11/2010 | 16:03:49
3,513 lượt xem
Thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi của huyện Quỳnh Phụ có bước phát triển khá toàn diện theo hướng vừa tăng quy mô đàn, vừa có sự điều chỉnh về phương thức từ nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi tập trung quy mô gia trại, trang trại. Một số vật nuôi giống mới được tiếp thu đưa vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với vật nuôi truyền thống.

Trang trại chăn nuôi lợn ngoại tại Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).

Quỳnh Phụ phấn đấu đến năm 2015 đưa giá trị sản xuất chăn nuôi vươn lên chiếm 46,9% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn huyện.

Bước phát triển nổi bật nhất về chăn nuôi ở Quỳnh Phụ mấy năm trở lại đây là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng đàn. Tuy nhiên, sự gia tăng đó không mang tính đồng đều mà cơ cấu đàn từng bước được điều chỉnh hợp lý theo hướng tăng nhanh những giống vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và phù hợp với năng lực, tập quán canh tác của người dân.

Biểu hiện rõ nhất là số lượng đàn trâu bò, năm 2005 toàn huyện có khoảng 9.350 con trâu bò thì đến năm 2010 tổng đàn cũng chỉ khoảng trên 11.000 con, tăng chưa tới 2.000 con, trong đó chủ yếu là bò; đàn trâu chiếm tỷ lệ không đáng kể, chỉ khoảng 400 con.

Mục đích chăn nuôi trâu bò cũng thay đổi từ cày kéo là chính sang chăn nuôi thương phẩm cung cấp thịt cho thị trường. Với số lượng trâu bò hiện có, hàng năm Quỳnh Phụ cung cấp cho thị trường khoảng 460 tấn thịt hơi. Ngược lại, đàn lợn và đàn gia cầm có bước phát triển nhanh chóng.

Tổng đàn lợn hiện có 160.000 con, tăng gần 600.000 con so với năm 2001, trong đó đàn lợn nái chiếm khoảng 35.000 con, còn lại là lợn thịt và lợn choai; dự kiến cả năm 2010 này Quỳnh Phụ cung ứng cho thị trường tiêu dùng khoảng 23.000 tấn thịt lợn hơi, tăng hơn gấp đôi so với năm 2005.

Tổng đàn gia cầm gồm gà, ngan, vịt, ngỗng đang có khoảng 1,5 triệu con, tăng gấp rưỡi so với năm 2005; với số lượng đàn hiện có dự kiến năm 2010 Quỳnh Phụ sẽ cung cấp cho người tiêu dùng trên 3.000 tấn thịt gia cầm các loại, tăng khoảng 1.000 tấn so với năm 2005, đó là chưa kể hàng chục triệu quả trứng các loại.

Bên cạnh các giống vật nuôi truyền thống, gần đây nhiều hộ dân đã mạnh dạn tiếp thu đưa vào nuôi nhiều loại vật nuôi giống mới, trong đó hầu hết đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với vật nuôi truyền thống, điển hình nhất là đàn lợn ngoại hướng nạc.

Nếu như năm 2001 toàn huyện mới có vài hộ chọn nuôi thí điểm giống lợn ngoại hướng nạc với số lượng khoảng 150 con nái bố mẹ, tập trung chủ yếu tại các xã Quỳnh Châu, Quỳnh Sơn, Quỳnh Hội... thì đến năm 2005, đàn lợn ngoại bố mẹ đã vượt ngưỡng 1.200 con, năm 2007 tăng lên 1.500 con, năm cao nhất toàn huyện có hơn 2.100 con lợn ngoại bố mẹ.

Từ năm 2009 trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch tai xanh nên số lượng có giảm nhưng tổng đàn nái bố mẹ vẫn được duy trì ở mức trên dưới 1.300 con. Đàn bò lai sind cũng phát triển nhanh chóng.

Năm 2001 toàn huyện mới có chưa đầy 1.000 con thì đến năm 2006 đã tăng lên 1.500 con và hiện tại là 1.700- 1.800 con. Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều vật nuôi giống mới khác đang được chăn nuôi tại các xã, thị trấn ở Quỳnh Phụ như: cá chép lai ba máu, rô phi đơn tính, cá basa, cá lóc hoa, cá vược, ngan pháp... và một số giống vật nuôi đặc sản như: ếch, ba ba, cá sấu, dế, nhím...

Đặc biệt phương thức chăn nuôi của đa số các hộ dân đã có sự thay đổi đáng kể, chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, phân tán, tự phát sang chăn nuôi tập trung quy mô gia trại, trang trại; thức ăn cũng chuyển từ tự cấp, tự túc sang sử dụng 100% thức ăn công nghiệp hoặc bán công nghiệp.

Mô hình chăn nuôi tập trung lần đầu xuất hiện tại Quỳnh Phụ vào khoảng năm 2001, sau đó phát triển nhanh chóng từ năm 2005 đến nay. Thời điểm năm 2004, toàn huyện mới có 164 trang trại và 200 gia trại thì đến năm 2006 đã tăng lên 700 trang trại và 890 gia trại.

Hiện tại toàn huyện đang có hơn 800 trang trại và trên 1.000 gia trại các loại. So với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống thì phương thức chăn nuôi trang trại có chi phí ban đầu cao gấp nhiều lần, đặc biệt là chi phí xây dựng chuồng trại và chi phí mua thức ăn, nhưng đổi lại lợi nhuận từ chăn nuôi trang trại cũng tăng theo cấp số nhân.

Nhiều hộ dân ở Quỳnh Phụ nhờ phát triển mô hình chăn nuôi trang trại mà vươn lên trở thành tỷ phú ngay giữa thôn quê với mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí còn thực lãi hàng trăm triệu đồng như trang trại tổng hợp của gia đình anh Phạm Tiến Nhung (Quỳnh Giao), trang trại chăn nuôi lợn ngoại của gia đình ông Chính ở Quỳnh Hoa, trang trại tổng hợp của cựu chiến binh Vũ Đức Sành ở Quỳnh Ngọc...

Chính sự thay đổi toàn diện cả về cơ cấu giống và phương thức chăn nuôi ở Quỳnh Phụ thời gian qua đã góp phần đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên xấp xỉ 300 tỷ đồng vào năm 2010 này, duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2006- 2010 đạt 11,7%/ năm. Tỷ trọng chăn nuôi hiện vươn lên chiếm 37,15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Quỳnh Phụ đặt mục tiêu đến năm 2015 đưa giá trị sản xuất chăn nuôi lên 440 tỷ đồng, chiếm 46,9% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa