Thứ 4, 13/11/2024, 05:30[GMT+7]

Bảo đảm đủ nguồn nước tưới sản xuất vụ đông xuân 2010 - 2011

Thứ 2, 13/12/2010 | 08:36:59
2,159 lượt xem
Gần đây một số nguồn tin cho rằng sản xuất vụ đông 2010 trên địa bàn tỉnh đã và đang xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, gây tâm lý e ngại cho nhiều hộ dân khi bắt tay vào sản xuất.

Để chủ động ứng phó với khả năng hạn hán có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã sớm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. Ảnh: Ngọc Trâm

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, 40.083 ha cây vụ đông đã gieo trồng đến thời điểm này cơ bản bảo đảm đủ nguồn nước tưới nên phát triển và sinh trưởng khá tốt đối với cả hai loại cây ưa ấm và ưa lạnh, một số cây cho thu hoạch đạt giá trị tương đối cao.

 

Riêng đối với vụ xuân 2011, theo dự báo của Trung tâm khí tuợng thủy văn Quốc gia,  ở miền Bắc nói chung, mực nước tại các sông lớn có khả năng sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19 – 34%. Trước thực trạng này, để chủ động ứng phó với khả năng hạn hán có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã sớm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình.

 

Đến nay, hầu hết các công trình XDCB gần như đã hoàn tất, nhiều công trình trọng điểm đã đưa vào sử dụng phục vụ tốt cho công tác thủy lợi. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cơ bản để nguồn nước tưới vẫn có thể bảo đảm dẫn đến các sông trục phục vụ việc bơm tát kịp thời lên đồng ruộng khi thời tiết xấu xảy ra.

 

Thái Bình có hai hệ thống công trình thủy lợi chủ lực là Bắc và Namon>. Đối với hệ thống thủy lợi Nam, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Nam cho biết: Trong hệ thống thủy lợi Nam, Vũ Thư là huyện  rất dễ chịu tác động của khô hạn so với các huyện khác.

 

Nhưng đến thời điểm hiện nay 7.480 ha diện tích gieo trồng cây vụ đông của huyện vẫn đủ nguồn nước tưới dồi dào. Đây là hệ quả tất yếu của việc đầu tư kinh phí để nạo vét một số tuyến sông trục, sông dẫn nhiều năm gần đây vốn không được nạo vét như: sông Bồng Tiên (đoạnII), sông Ngũ Tổng, sông dẫn trạm bơm Nguyệt Lãng...; của việc đầu tư kiên cố hóa, xây dựng và nâng cấp cải tạo nhiều tuyến kênh cấp một dẫn nước sau cống và trạm bơm như: kênh tram bơm Song An và Nam Bi, kênh sau cống Nang, cống Cự Lâm...

 

Không chỉ riêng với các công trình nằm trên địa bàn huyện Vũ Thư, mà đối với tất cả các công trình khác nằm trên địa bàn các huyện thuộc hệ thống thủy lợi Nam cũng đều được Công ty chủ động kiểm tra, lập kế hoạch đầu tư kinh phí tập trung cải tạo, nâng cấp; góp phần quan trọng cải thiện đáng kể việc dẫn và trữ nước, không chỉ nâng cao hiệu quả trong tưới tiêu mà còn giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

 

Một điều kiện thuận lợi nhất là cống Tân Đệ đã xây dựng xong và được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đây là một cống đầu nguồn của hệ thống với lưu lượng thiết kế là 15,37m3/s, bổ sung nguồn nước đáng kể  và, tạo điều kiện thuận lợi cân bằng nước cho hệ thống. Đặc biệt tuyến sông Dục Dương - Âu Ngái vốn ách tắc nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, gây nhiều bất lợi cho điều tiết nước nay đã được giải tỏa trả lại mặt sông thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dẫn tháo nước sản xuất nông nghiệp...

 

Ông Hùng khẳng định; qua thực tế đối phó với diễn biến bất lợi về nguồn nước và sự xâm lấn của giới hạn mặn, Công ty đã có kinh nghiệm, luôn chủ động điều tiết nước hợp lý góp phần giành thắng lợi cho sản xuất.  Ở vụ đông 2010 này, Công ty vẫn tiếp tục giành thế chủ động trong công tác điều tiết nước một cách hợp lý.  Tuy nhiên, do quy hoạch thiếu đồng bộ nên nguồn nước đến từng chân ruộng chưa đồng đều. Bởi vậy, nếu có một số hộ chưa thỏa mãn với nguồn nước hiện có thì chỉ là đếm trên đầu ngón tay.

      

Đối với hệ thống thủy lợi Bắc thì huyện Hưng Hà là một trong những địa bàn chịu tác động tương đối lớn của thời tiết kể cả úng lụt và khô hạn do nằm ở đầu nguồn. Vụ đông năm 2010, Hưng Hà gieo trồng đạt gần 8.500 ha, trong đó cây đậu tương chiếm trên 4 nghìn ha. Hiện tại, các loại cây trồng đều sinh trưởng phát triển tốt, khá đồng đều.

 

Một số cây ưa ấm đã thu hoạch như dưa, bí xanh, đậu đỗ...cho năng suất và giá trị kinh tế tương đối cao. Mặc dù với diện tích vụ đông lớn nhất tỉnh, nhưng Hưng Hà vẫn luôn bảo đảm đủ nước tưới cho tất cả các loại cây trồng, có chăng chỉ một vài diện tích nhỏ chưa thỏa mãn với điều kiện nước hiện có.

 

Để luôn bảo đảm đủ nước tưới cho vụ đông năm nay và vụ xuân tới, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Xí nghiệp KTTL Hưng Hà cho hay: ngay từ đầu năm 2010 xí nghiệp đã tổ chức giải phóng dòng chảy được 34 km trên hai hệ thống sông trục chính; 60 km trên 5 sông trục cấp I; 30 sông cấp II dài 103 km; nạo vét sông Hò, sông Tây Đô, Bình Lăng, Mỹ Lương, trục dẫn trạm bơm Tống với khối lượng đào đắp 132.000 m3...

 

Ông Bùi Ngọc Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT cho biết thêm: để bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất vụ đông xuân, trên cơ sở kế hoạch huyện giao các địa phương đã cân đối ngân sách, nguồn lực để thực hiện làm thủy lợi, phục vụ thiết thực cho sản xuất.

 

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn còn tuyên truyền vận động nhân dân tự nguyện góp 1 sào cấy bằng 2 công lao động, hoặc góp thóc 2,5 kg/ sào để đầu tư cho công tác thủy lợi đông xuân. Mặc dù mấy năm gần đây Hưng Hà mở rộng diện tích đậu tương trên đất hai lúa tương đối lớn, nhưng việc thiếu nước bơm tưới rất hiếm khi xảy ra. Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN Điệp Nông cho biết, cây đậu tương được gieo trồng 100% trên đất hai lúa, nhưng chưa có năm nào xảy ra úng lụt hay khô hạn kéo dài. Có đựơc kết quả này là do  công tác làm thủy lợi ở đây rất được chú trọng.

 

Xã đã huy động nhân dân lao động XHCN, như năm 2009 đã có gần 2 nghìn người và năm nay có gần 2.500 người tham gia, giải quyết được toàn bộ mương máng phục vụ tưới tiêu tốt cho vụ đông. Như vậy, đến thời điểm hiện nay Hưng Hà chưa để xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ cho sản xuất như một số nguồn tin phản ánh.

           

 Năm 2010, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh được đầu tư tu bổ sửa chữa bằng nhiều nguồn vốn, trong đó các cửa cống lấy nước đều được nạo vét sa bồi, nhiều sông trục được khơi nạo bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Các công trình do hai công ty KTTL Bắc và Namon> tỉnh đã dành được nguồn vốn cao nhất từ trước tới nay: 50 tỷ đồng  từ nguồn cấp bù thủy lợi phí để tu bổ, nâng cấp các công trình.

 

Đồng thời công tác thủy lợi đông xuân năm 2010 – 2011 được Sở Nông nghiệp & PTNT sớm tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch và phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo nên đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, để chủ động đối phó với tình trạng hạn hán như Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, các biện pháp khắc phục đã được ngành nông nghiệp triển khai nhanh chóng xuống các địa phương.

 

Theo đó, tổng khối lượng đào đắp ở vụ đông xuân năm 2010 - 2011 thực hiện 4.746.734m3; tổ chức giải phóng dòng chảy khoảng 10 triệu m2 bèo rau...Bên cạnh đó ngành nông nghiệp đã chỉ đạo chuẩn bị cả phương án máy bơm điện, bơm dầu di động tưới hỗ trợ cho vùng cao và vùng tự chảy thường xuyên khi mực nước xuống thấp không tự chảy được.

 

Với các biện pháp được triển khai sớm và đồng bộ trên chắc chắn những khó khăn thách thức ở vụ xuân như đã dự báo sẽ được chủ động khắc phục,bảo đảm đủ nguồn nước bơm kể cả khi mực nước xuống thấp nhất, góp phần giành vụ đông xuân thắng lợi toàn diện.

 

Nguyên Bình

           

  • Từ khóa