Chủ nhật, 17/11/2024, 04:39[GMT+7]

Dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp Bước đột phá quy hoạch nông thôn mới

Thứ 4, 15/12/2010 | 08:19:30
2,554 lượt xem
Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, để tiến hành xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng là phải quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hoá, quy hoạch giao thông, thuỷ lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu đưa cơ giới hoá và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động.

Xã Thái Đô - Thái Thụy đầu tư xây dựng cứng hóa kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Trâm

Song, thực hiện thành công được công tác quy hoạch này hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm 61% tổng diện tích đất tự nhiên, những năm qua, Thái Bình đã nhiều lần tổ chức cuộc vận động này vì mục tiêu, lợi ích chung. Và phải đến khi dồn điền, đổi thửa trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thực hiện quy hoạch nông thôn mới thì Thái Bình mới thực sự tạo được bước đột phá.

Nhìn lại thực tế, ngay từ năm  2002 các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 07 – NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Quyết định số 18/2002/QĐ/TU của UBND tỉnh nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu của tỉnh đề ra.

Thực tế ruộng đất vẫn còn manh mún, số thửa ruộng bình quân 3,58 thửa/hộ, còn nhiều thửa diện tích  nhỏ từ 10 – 12 m2; hệ thống bờ vùng, bờ thửa nhỏ hẹp, không được cứng hoá, chỉ đáp ứng vận chuyển phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng xe thô sơ gây khó khăn cho việc quy hoạch hình thành vùng sản xuất tập trung để đưa cơ giới hoá và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm hạn chế việc tăng năng suất lao động, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất lớn.

Trước thực trạng này, để đáp ứng yêu cầu của quy hoạch nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương tiếp tục thực hiện việc dồn diền, đổi thửa đất nông nghiệp theo hướng tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp với khối lượng lớn, tập trung trên cơ sở quy hoạch, phấn đấu mỗi hộ chỉ có 01 thửa.

Trước mắt chỉ đạo dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp tại 08 xã được chọn làm điển xây dựng mô hình nông thôn mới gắn với xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Ông Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “ Đến nay, xã Thanh Tân huyện Kiến Xương, xã Quỳnh Minh huyện Quỳnh Phụ, xã Trọng Quan huyện Đông Hưng và 02 xóm của xã Nguyên Xá huyện Vũ Thư đã hoàn thành việc dồn diền, đổi thửa. Các xã Hồng Minh (Hưng Hà), An Ninh (Tiền Hải), Thụy Trình (Thái Thụy), Tự Tân, Vũ Đoài, Vũ Tiến, Tân Phong (Vũ Thư), Bình Định (Kiến Xương) và Vũ Phúc (Thành phố) đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2010.

Kết quả dồn điền, đổi thửa ở các xã đã giảm trên 20% số thửa ruộng (Thanh Tân giảm 37,84%, Quỳnh Minh giảm 20,3%, Trọng Quan 33,88%); có trên 70% số hộ còn không quá  2 thửa ruộng (Thanh Tân 84%, Quỳnh Minh 77,6%, Trọng Quan 95,26%, Nguyên Xá mỗi hộ còn một thửa thuộc vùng quy hoạch đất lúa chất lượng cao và cây vụ đông)”.

Ông Tuấn cũng khẳng định: “Việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước khắc phục tình trạng mạnh mún ruộng đất, tạo điều kiện hình thành một số vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản, tạo bước chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa”.

Chúng tôi về xã Quỳnh Minh – xã điểm thực hiện dồn điền, đổi thửa theo quy hoạch nông thôn mới của huyện Quỳnh Phụ. Sau thời gian thực hiện dồn điền đổi thửa, đến nay toàn xã có 1.400 hộ nhận đất với tổng số thửa đã giao là 2.940 thửa. Trong đó, số hộ 1 thửa chiếm 13,3%, hộ 2 thửa chiếm 64,3%, hộ 3 thửa 21,6% và hộ 4 thửa còn 0,8%.

Như vậy, nếu như năm 2002 bình quân số thửa ruộng trong xã là 2,7 thửa/hộ thì nay đã giảm xuống còn 2,1 thửa/hộ. Toàn xã có trên 77% số hộ còn không quá hai thửa ruộng. Ông Nguyễn Văn Đạo - cán bộ địa chính xã cho biết: “Dồn điền, đổi thửa  đã góp phần đưa số thửa canh tác của hộ giảm, các thửa ruộng có chiều ngang từ 25 đến 50m  thuận tiện cho việc canh tác bằng máy móc, có đất để làm giao thông, thuỷ lợi nội đồng và giao thông nông thôn.

Dồn điền, đổi thửa còn tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương, tạo thuận lợi để các hộ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp”.

Trên thực tế, hiện nay xã Quỳnh Minh đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất theo quy hoạch nông thôn mới: vùng màu (4 cánh đồng chuyên màu) 18 ha, vùng 2 lúa 1 vụ đông 93 ha, vùng chuyên chăn nuôi 20 ha và vùng chuyên lúa 125 ha.  Năm 2010 đã thực hiện được các cánh đồng chuyên màu với diện tích 18 ha. Phương thức canh tác chuyên màu gồm màu xuân, màu hè thu, màu đông, thu nhập ước tính đạt từ 169 – 200 triệu đồng/ha.

Sau dồn điền, đổi thửa, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đã xây dựng được 2 km đường nội đồng, mặt đường rộng 3,5 m và 4 km kênh mương cấp 1, cấp 2 phục vụ cho vùng chuyên màu với kinh phí 6,5 tỷ đồng. Các hộ nông dân đã tự nguyện góp 26 m2 đất/khẩu và góp sức đào đắp  31.000 m3 làm hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Xã cũng đã cơ bản dồn chuyển trên 98 nghìn m2 đất 5% vào các điểm quy hoạnh xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của xã, của thôn.

Lợi ích cho người nông dân sau dồn điển đổi thửa đã thấy rõ. Song, theo ông Trần Ngọc Tuấn: “Khó khăn của công tác này là đất đai trong các xã không đồng đều, có sự chênh lệch lớn về thu nhập trên đơn vị diện tích giữa các vùng đất; đa số các hộ không muốn nhận 1 thửa, vì hiện nay ngành nghề phụ ở địa phương chưa phát triển, thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, đây là công việc phức tạp, liên quan đến lợi ích của các hộ nông dân, một số người có tư tưởng hơn thiệt muốn giữ lại ruộng đã đầu tư cải tạo từ đợt dồn điền, đổi thửa năm 2002.

Một số cán bộ, đảng viên còn do dự, chưa thật sự tin vào chủ trương quy hoạch nông thôn mới và dồn điền đổi thửa của tỉnh”. Do đó, để khắc phục khó khăn trên, theo ông Tuấn: “Công tác dồn điền, đổi thửa cần phải bảo đảm nguyên tắc: Tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Phải có quyết tâm cao, đồng thời bảo đảm sự đoàn kết, ổn định tình hình nông thôn. Phương án dồn điền, đổi thửa phải tuân thủ Luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Trong quá trình thực hiện, tuỳ điều kiện đất đai của từng vùng có thể dùng hệ số quy đổi giữa các nhóm đất hoặc vùng đất theo quy hoạch để tính diện tích giao cho hộ nhằm bảo đảm sự công bằng. Sau khi dồn điền, đổi thửa phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân và thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.

Các địa phương phải căn cứ thực trạng ruộng đất, quy hoạch nông thôn mới để xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Phương án phải được bàn bạc dân chủ, công khai. Sau dồn điền, đổi thửa phải bảo đảm ổn định và thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra nhiều mô hình kinh tế hiệu quả hơn so với trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa”...

Ngọc Mai

  • Từ khóa