Chủ nhật, 17/11/2024, 23:11[GMT+7]

Đông Trung ngập úng... do đâu?

Thứ 2, 10/08/2015 | 09:11:10
1,158 lượt xem
Từ ngày 31/7 đến 7 giờ ngày 5/8, trên địa bàn huyện Tiền Hải có mưa to và rất to. Tổng lượng mưa đo được là 345mm, trong đó mưa lớn nhất vào ngày 1/8 với lượng mưa 135mm. Mưa trên diện rộng, tập trung ở các xã khu Tây, khu Đông đã gây ngập trắng cục bộ tại 5 xã thuộc khu Đông với tổng diện tích khoảng 140ha, trong đó nặng nhất là xã Đông Trung.

Bãi tập kết vật liệu gây cản trở dòng chảy của mương tại xã Đông Trung.

Một trong những nguyên nhân gây ngập úng cục bộ một số diện tích lúa mùa mới gieo cấy của Đông Trung là do xã chưa thực hiện nghiêm công điện của huyện về phòng, chống úng, lụt. Theo kết quả các đoàn kiểm tra của huyện, trong thời gian diễn ra mưa, nhất là trong hai ngày từ 1 - 2/8 huyện có nhiều đoàn xuống kiểm tra tại Đông Trung song xã không có lực lượng ra đồng làm công tác khơi thông dòng chảy, tháo nước mặt ruộng. Trong khi Đông Trung là vùng trũng của huyện, mương máng lại có nhiều vật cản, nhiều bèo bồng. Thêm vào đó,  242ha lúa mùa của xã kết thúc cấy thuộc tốp muộn nhất huyện, gặp phải mưa lớn nên đã bị ngập úng.

Đường kính ống bi quá nhỏ đã gây cản trở lớn cho việc tiêu úng.

Tại thôn Phong Lạc, gần 40ha lúa mùa bị ngập, đồng ruộng trắng xóa một màu nước. Theo quan sát của chúng tôi, mương tiêu nước của khu vực cánh đồng này có chiều ngang khoảng 6 - 8m. Tuy nhiên, có rất nhiều đoạn mương bị chặn lại tạo đường đi nối đường liên xã với các bờ thửa của cánh đồng. Tại các đường đi chặn dòng con mương chỉ được đặt một ống bi đường kính khoảng 80cm đã gây cản trở lớn cho việc tiêu úng.

Cánh đồng thôn Phong Lạc, xã Ðông Trung bị ngập trắng.

Không dừng lại ở đó, có hộ dân ở Đông Trung còn lấn chiếm lòng mương xây dựng công trình, bãi tập kết vật liệu gây cản trở dòng chảy. Hộ này chỉ để một đường thông nước hẹp, khiến mương tiêu trở thành “nút thắt cổ chai”. Để tiêu úng, trong giải pháp tình thế, có thể phá bỏ các đường đi, tháo dỡ ống bi, các đầu khâu song đối với các công trình này việc tháo dỡ không đơn giản về trình tự, thủ tục pháp lý.

Hiện nay, mưa to kéo dài đã dừng, diện tích lúa mùa của Đông Trung không mất trắng nhưng thiệt hại xảy ra khó có thể tránh khỏi một số diện tích có thể phải cấy dặm lại. Theo số liệu, trong xây dựng nông thôn mới, Đông Trung đã đạt 12/19 tiêu chí, trong 7 tiêu chí chưa đạt có tiêu chí số 3 về thủy lợi còn phải hoàn thành tiểu mục 2 về tỷ lệ cứng hóa kênh mương. Sau đợt ngập úng vừa qua, Đông Trung cần nghiêm túc rút ra bài học trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống lụt, bão. Cùng với đó, xây dựng hệ thống thủy lợi hợp lý, khoa học, bảo đảm tưới, tiêu, phục vụ tốt nhất cho sản xuất. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân có đường đi trong sinh hoạt, sản xuất, nhất thiết phải đặt các ống bi có kích cỡ phù hợp, bảo đảm tưới, tiêu hoặc làm cầu loại đơn giản như các địa phương khác đã làm. Đặc biệt, cần kiên quyết xử lý các hành vi, công trình vi phạm lấn chiếm dòng chảy của mương, kể cả trong trường hợp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Phan Anh

  • Từ khóa