Chủ nhật, 17/11/2024, 01:47[GMT+7]

Mùa xuân nơi cửa biển

Thứ 2, 24/01/2011 | 15:46:28
2,665 lượt xem
Một ngày cuối năm chúng tôi trở lại Thái Thụy, đi dọc vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) các xã ven biển, nơi đâu cũng thấy không khí lao động tất bật, hối hả của nông dân trên các ao đầm. Ai cũng mải miết thu vét những mẻ tôm cá cuối cùng cho kịp về sum họp với gia đình vui Xuân, đón Tết.

Mô hình nuôi cá Vược ở Thụy Liên (Thái Thụy)

Giờ đây, những người nông dân nơi "đầu sóng" có thể tạm yên lòng với thành quả lao động của mình sau một năm đầm nuôi "được mùa, trúng giá".

Thái Thụy tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế biển ở tất cả các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ vận tải và hậu cần nghề cá.

Trong đó, riêng lĩnh vực NTTS có bước phát triển mạnh, thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất và giá trị thu nhập. Điểm đầu tiên chúng tôi chọn dừng chân là HTX dịch vụ NTTS Minh Hải (Thụy Xuân, Thái Thụy).

Năm 2010, tổng sản lượng nuôi trồng trên 49 ha đầm nội đồng đạt hơn 600 tấn, cho giá trị 13,7 tỷ đồng, bình quân 280 triệu đồng/ha. Có tới 1/3 xã viên của HTX năm qua NTTS thu nhập từ vài chục đến mấy trăm triệu đồng. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Tắc, nuôi cá vược (cả cá giống và cá thương phẩm) cá bớp, cá song, rong câu trên diện tích khoảng 3 mẫu. Năm 2010, thời tiết tương đối thuận, cá nuôi sinh trưởng phát triển nhanh, bán được giá, gia đình ông xuất bán ra thị trường 4,2 tấn, thu gần 400 triệu đồng. Hiện tại, sản lượng trong ao vẫn còn khoảng gần 10 tấn dự kiến cung ứng cho thị trường dịp tết Nguyên Đán. Sau khi trừ các khoản chi phí, ước tính năm 2010 ông thu lãi vài trăm triệu.

Xã Thái Đô, vùng trọng điểm NTTS ven biển lớn nhất huyện Thái Thụy với diện tích 733,2 ha.  Phó chủ nhiệm HTX Tạ Đức Hiển cho biết: “Năm 2010, NTTS của Thái Đô thắng lớn. Riêng vụ tôm sú xuân-hè, 90% hộ nuôi được mùa. Sau vụ tôm, hầu hết diện tích cải tạo nuôi tiếp các đối tượng: cua, cá vược, rô phi, cá song, rau câu….

Toàn xã có tới cả trăm hộ sau một năm NTTS thu từ 50 đến 100 triệu đồng, còn lại đại đa số có nguồn thu trên 10 triệu đồng”. Men theo đê biển, chúng tôi ra Cồn Đen, chỉ tay ra mặt biển mênh mông sóng nước anh Hiển tiết lộ: “Đây là vùng nuôi ngao bạc tỷ của xã với diện tích 169 ha. Năm nay thời tiết thuận, ngao sinh trưởng và phát triển tốt, bán được giá nên người nuôi thắng lắm. ước tính sản đạt 2.800 tấn, cho giá trị 42 tỷ đồng, bình quân 525 triệu đồng/ha”.

NTTS phát triển đã tạo nguồn nguyên liệu hàng hoá lớn cho ngành chế biến xuất khẩu phát triển. Năm 2010, ước tính sản lượng nuôi trồng thủy  sản mặn lợ toàn huyện đạt 8.660 tấn, cho giá trị trên 100 tỷ đồng, riêng các vùng chuyển đổi hiệu quả gấp từ 3 đến 4 lần cấy lúa.

Năm cũ khép lại, sau cái Tết sum vầy, nông dân các xã ven biển lại hối hả tất bật cho một vụ sản xuất mới. Chung sức cùng bà con làm giàu, Thái Thụy đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển mạnh lĩnh vực NTTS theo hướng sản xuất hàng hoá. Đến nay, huyện đã quy hoạch thêm 455 ha diện tích nuôi ngao tại khu vực bãi triều xã Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Trường.

Tại Cồn Đen, một trại sản xuất giống ngao công suất khoảng 150 triệu con/năm đang khẩn trương được đầu tư xây dựng để kịp cho sinh sản vào tháng 3/2011, sẽ cung ứng đủ nguồn giống cho toàn bộ diện tích nuôi. Ngoài con ngao, huyện tiếp tục đầu tư cho những diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bảo đảm nguồn nguyên liệu cho chế biến. Cùng với đó sẽ mở rộng diện tích nuôi các loại cá, con đặc sản như: cá rô, điêu hồng, hồng mỹ, cá chẽm, cua, vẹm xanh….  nhằm nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Hi vọng với hướng đi mới này, năm 2011 các vùng đầm sẽ thêm đầy ắp cá tôm, người dân quê biển có thêm một mùa xuân ấm no và hạnh phúc.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa