Thứ 3, 19/11/2024, 01:45[GMT+7]

Hiện tượng tôm chết không phải do nguồn nước bị ô nhiễm

Thứ 4, 25/05/2016 | 18:16:55
1,694 lượt xem
Đó là kết luận của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khi đi kiểm tra tình hình tôm chết tại một số ao đầm của xã Thái Đô (Thái Thụy), xã Nam Cường (Tiền Hải) chiều ngày 25/5.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình tôm chết tại xã Thái Đô (Thái Thụy).

 

Cùng đi với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có các đồng chí: Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ. 

Tính đến ngày 24/5, hiện tượng tôm chết đã xảy ra tại 513 ao, trong đó có 130 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, 383 ao nuôi tôm sú của 308 hộ dân ở 7 xã thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Tổng diện tích ao có tôm chết là 72,7ha với số lượng giống thả khoảng 17,526 triệu con. Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ở 7 xã, có 18/18 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng.

Kiểm tra trực tiếp tại các ao nuôi có tôm chết ở xã Thái Đô (Thái Thụy) và xã Nam Cường (Tiền Hải), bước đầu xác định tôm chết là do mắc bệnh đốm trắng. Ông Phạm Hữu Thoại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Tôm bị bệnh và chết là do nguyên nhân chất lượng nguồn tôm giống không bảo đảm. Tôm thẻ chân trắng là loại tôm rất mẫn cảm với bệnh đốm trắng, việc nông dân nuôi thả lẫn tôm thẻ chân trắng với tôm sú khiến dịch bệnh lây lan. Thời gian qua, thời tiết thay đổi làm nồng độ mặn trong ao nuôi không bảo đảm dẫn đến phát sinh bệnh đốm trắng trên tôm. Cùng với đó, việc nông dân xử lý vệ sinh ao nuôi không triệt để đã khiến cho nguồn bệnh lưu trú lây sang. Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng tôm nhiễm bệnh chết, nông dân không xử lý kịp thời và báo cáo cho cơ quan chức năng khoanh vùng dập dịch làm cho bệnh nhanh chóng lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại cho nhiều hộ nuôi khác.

 

Sau khi kiểm tra, khảo sát thực tế các nguồn nước trong khu vực cung cấp cho các vùng nuôi tôm của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải, kết quả quan trắc nguồn nước tại các ao có tôm chết do bệnh đốm trắng, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Hiện tượng tôm chết ở hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải không phải do nguồn nước bị ô nhiễm mà nguyên nhân từ các vấn đề: nguồn tôm giống nông dân đưa vào nuôi không bảo đảm sạch bệnh, mật độ nuôi không đúng kỹ thuật, thời tiết thay đổi làm nồng độ mặn trong ao nuôi không phù hợp làm cho tôm dễ mắc bệnh, việc xử lý vệ sinh ao nuôi của nông dân chưa tốt khiến cho bệnh đốm trắng phát sinh gây hại cho tôm.

 

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra hiện tượng tôm chết tại xã Nam Cường (Tiền Hải).

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu rõ nguyên nhân tôm chết và bùng phát dịch bệnh thời gian qua để bà con không hoang mang. Yêu cầu các hộ có ao nuôi tôm bị chết khẩn trương thu vớt xác tôm chết, xử lý an toàn nguồn nước trong ao, chỉ khi nào thực sự bảo đảm an toàn mới nuôi thả trở lại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và hướng dẫn nông dân xử lý dịch bệnh trên tôm nuôi; cấp đủ lượng hóa chất cho các hộ nuôi trồng thủy sản xử lý mầm bệnh trong ao nuôi nhằm xử lý dứt điểm dịch bệnh trên tôm cũng như các loại thủy sản khác. Những diện tích ao nuôi có tôm bị chết không thể nuôi lại được do lịch thời vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân chuyển sang nuôi thả một số loại cá phù hợp cho giá trị kinh tế cao để duy trì sản xuất và bù đắp thiệt hại do tôm chết.

 

Khắc Duẩn

 

  • Từ khóa