Thứ 7, 16/11/2024, 02:38[GMT+7]

Sản xuất cây màu, cây vụ đông ở Thụy Sơn Khi HTX lo “đầu ra” cho nông dân

Thứ 5, 12/08/2010 | 07:44:24
2,023 lượt xem
Từ nhiều năm nay, xã Thụy Sơn huyện Thái Thụy là xã điển hình về sản xuất cây màu, cây vụ đông tập trung quy mô lớn cho giá trị kinh tế cao của Thái Thụy.

Bí xanh, cây trồng chủ lực ở vụ đông của Thụy Sơn. Ảnh: P.V

Mùa nào cây ấy, thu hoạch đến đâu HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, tư thương thu mua đến đó nên xã viên rất phấn khởi, yên tâm đầu tư cho sản xuất. Nhiều nông dân thực sự thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh ruộng nhà mình.

Toàn xã hiện có 240 ha diện tích cây màu, cây vụ đông, chiếm 50% tổng diện tích đất canh tác gồm những loại cây trồng có đầu ra ổn định, cho giá trị kinh tế cao như: thuốc lào, ớt, dưa gang, dưa chuột, bí đá, sa lát....

Trao đổi với chúng tôi, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Trần Đạo Thuý khẳng định: Thụy Sơn đạt được bước tiến vượt bậc trong sản xuất cây màu, cây vụ đông là do 2 yếu tố: tổ chức chỉ đạo sản xuất quyết liệt, đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định. Trong số các loại cây màu, cây vụ đông ở Thụy Sơn,  bí đá là cây trồng chủ lực với diện tích khoảng 100 ha là vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nhất huyện Thái Thụy. Ngoài 5 tư thương thu mua bí trên địa bàn xã, HTX dịch vụ nông nghiệp đứng ra làm trung gian ký hợp đồng với các công ty xuất khẩu rau quả Vạn Đạt, Thái Dương, nông sản Hải Dương, Công ty CP giống cây trồng Thái Bình, Công ty giống cây trồng Thái Thụy thu mua 100% sản phẩm sau thu hoạch cho xã viên với số lượng bình quân mỗi năm từ 150 đến 200 tấn sa lát, 100 tấn dưa chuột, 600 đến 700 tấn dưa gang.

Thời điểm chúng tôi về, Thụy Sơn vừa kết thúc thu hoạch gần 40 ha dưa gang xen vụ,  nông dân ai cũng phấn khởi bởi dưa trúng mùa, được giá. Chủ nhiệm Thuý cho biết thêm: toàn xã thu hoạch ước đạt khoảng 450 tấn dưa gang, HTX đã đứng ra ký hợp đồng với các công ty xuất khẩu rau quả thu mua 400 tấn, lập bàn chi trả tận tay cho xã viên với giá 1.200đ/kg. Vụ dưa năm nay thắng lớn bởi mỗi sào dưa năng suất đạt bình quân 1 tấn, cho giá trị khoảng 1,2 triệu đồng, trong khi chi phí chỉ mất khoảng 70 ngàn đồng. Toàn xã có 20 hộ trồng diện tích lớn từ 4 đến 5 sào, sau hơn 1 tháng thu 4-5 tấn dưa, có trong tay từ  4 đến 5 triệu đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Ba (thôn Thượng Phúc Tây) đạt sản lượng cao nhất xã khoảng 5,5 tấn, lãi hơn 5 triệu đồng. Năm 2008, từ lãi bán dưa anh sắm được máy cày tay trị giá 14 triệu đồng về làm đất phục vụ sản xuất, tranh thủ thời gian làm thêm cho những hộ khác. Ngoài dưa, hai vợ chồng  cấy 1,8 mẫu ruộng, trồng 1 mẫu cây bí, sa lát ở vụ đông....  mỗi năm có từ  40 đến 50 triệu đồng. 

Do có “đầu ra” ổn định nên ở Thụy Sơn mỗi năm có cả trăm hộ thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng từ trồng cây màu, cây vụ đông . Hộ nào ít cũng trồng từ 1 đến 2 sào, nhiều trồng từ 1 đến 2 mẫu. Trồng cây gì cũng có thu nhập khá cao: thuốc lào từ 5 đến 6 triệu đồng/sào, ớt thu 4 triệu đồng/sào, bí từ 2 đến 3 triệu đồng/sào, sa lát từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/sào....

Từ hai vụ lúa, một vụ đông  nay tăng lên 2 vụ lúa, 3 vụ màu trong năm, trong đó riêng giá trị thu nhập từ cây màu, cây vụ đông của địa phương đạt khoảng 3 tỷ đồng. Cụ thể, 50 ha cây màu xuân thu nhập 70 triệu đồng/ha, 40 ha cây màu hè thu 45 triệu đồng/ha, 150 ha cây vụ đông thu 40 triệu đồng/ha. Trên địa bàn xã hình thành 4 vùng chuyên màu sản xuất tập trung với tổng diện tích 110 ha, luân canh từ 3 đến 4 vụ/năm, cho giá trị thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/ha.

Sau thắng lợi từ hai vụ màu xuân, màu hè, vụ đông năm 2010, Thụy Sơn phấn đấu gieo trồng 180 ha cây vụ đông. Mọi điều kiện chuẩn bị cho sản xuất đã sẵn sàng, trong đó 100 ha trà lúa mùa sớm đã lên xanh, dự kiến cho thu hoạch trước 30/9 để trồng cây bí đá.

Năm nay, ngoài những sản phẩm đang bao tiêu, Thụy Sơn dự kiến sẽ ứng tiền giống, vật tư sản xuất quy vùng trồng khảo nghiệm 10 ha khoai tây, sau đó  mua toàn bộ sản lượng thu hoạch. Giờ đây, có thể khẳng định : cách tổ chức sản xuất cây màu, cây vụ đông như ở Thụy Sơn thực sự là điển hình để nhiều nơi khác đến học tập kinh nghiệm và làm theo.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa