Chủ nhật, 17/11/2024, 01:50[GMT+7]

Thái Thụy Phát triển mạnh kinh tế VAC

Thứ 6, 25/03/2011 | 07:57:03
2,139 lượt xem
Thái Thụy được đánh giá là huyện có tốc độ phát triển kinh tế VAC khá nhanh và mạnh của tỉnh. Điều này có được là do những năm qua Hội làm vườn (HLV) huyện đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp hội viên xây dựng mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, nhiều nông dân đã tự học được cách làm giàu hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động khác.

Nuôi cá vược - hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế VAC ở Thái Thụy

Một ngày đầu năm có mặt tại mô hình kinh tế VAC của anh Trần Ngọc Hiếu (xã Thụy Duyên), đi một vòng quanh trang trại với vườn cây, ao cá, khu nuôi con đặc sản được bố trí khoa học, hợp lý, tôi thực sự khâm phục nghị lực làm giàu của anh.

Khởi nghiệp từ năm 1983 với nghề làm vườn, chăn nuôi, thu mua con đặc sản; đến năm 2006, anh Hiếu nhận đấu thầu 1 ha vùng đất úng trũng của xã cải tạo, đào 0,5 ha ao nuôi ba ba, cá các loại, xây 3 ô chuồng nuôi cá sấu, kỳ đà, nhím, diện tích còn lại trồng hoa hồng, bưởi Diễn, ươm giống cây với tổng số vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Bình quân, mỗi năm trang trại xuất ra thị trường khoảng 60 tấn cá sấu, 2 tạ ba ba, 4 tạ kỳ đà, gần chục tấn cá, không kể cây con giống, hoa quả các loại.

Năm 2010, doanh thu của gia đình anh đạt gần 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm VAC giỏi, hiện anh đảm nhiệm vai trò là chủ tịch HLV xã Thụy Duyên, thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật và cách làm kinh tế VAC cho nhiều hội viên khác,  đồng thời còn đầu tư vốn, giống, bao tiêu đầu ra cho 50 hộ nuôi vệ tinh cá sấu ở trong và ngoài huyện. Chia tay anh Hiếu, tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Duy Châu, hội viên HLV xã Thụy Thanh.

Trước đây, gia đình anh Châu cũng làm nông nghiệp, thuộc diện nghèo của xã. Sau nhiều trăn trở, anh quyết định đấu thầu 5.000m2 đất úng trũng khu cánh đồng Hộn của xã xây chuồng trại nuôi 1.300 gà, vịt đẻ, 10 lợn nái, 100 lợn thịt, kết hợp đào ao nuôi cá, cua đồng, diện tích đất trống trồng cây ăn quả. Với cách làm như vậy, năm 2010, hai vợ chồng có nguồn thu 50 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.

Anh Hiếu, anh Châu chỉ là 2 trong số hàng trăm gương tiêu biểu, điển hình trong phong trào cải tạo vườn tạp- đất trũng làm kinh tế VAC giỏi, cho hiệu quả kinh tế cao ở Thái Thụy. Toàn huyện hiện có gần 5.000 hội viên HLV.

Thời gian qua, HLV huyện tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất nhằm sử dụng tiền vốn, đất đai, lao động đúng mục đích, có hiệu quả. Năm 2010, Hội  đã  phối hợp với Hội Nông dân huyện đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng 12,7 tỷ đồng cho hội viên vay; liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng hàng trăm tấn phân bón các loại giúp hội viên mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình.

Các cấp hội từ huyện đến cơ sở đã mở 105 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa, cây màu, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, các đối tượng thủy sản, kỹ thuật chiết ghép, lai tạo các cây có giá trị kinh tế cao... thu hút trên 8.200 lượt cán bộ, hội viên tham gia.

Ngoài ra 27 xã cũng đã tổ chức cho 314 lượt cán bộ, hội viên đi thăm quan, học tập các mô hình  điểm về phát triển kinh tế như: HLV xã Thụy Quỳnh đi thăm mô hình trồng khoai lang Nhật ở Ninh Bình; HLV các xã Thụy Bình, Thái Học, Thái Thành đi thăm quan mô hình trồng rau an toàn tại Viện cây lương thực miền Bắc, mô hình nuôi cá rô-cua đồng ở Thường Tín, mô hình nuôi thỏ, nhím ở Ba Vì...

Đặc biệt, Huyện hội đã phối hợp với trường Cao đẳng nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) -T.Ư HLV Việt Nam mở 5 lớp trung cấp nghề NTTS cho 500 hội viên HLV các xã Thụy Trường, Thụy An, Thụy Dũng, Thái Hồng, Thái Thuần. Các hội viên ở các cơ sở hội cũng  tự giúp nhau bằng cách cho vay không lấy lãi hàng trăm triệu đồng, bán trả chậm hàng vạn con vịt, gà giống, hàng chục vạn cá giống, tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm hạch toán kinh tế...

Thực tế cho thấy, sau các lớp tập huấn, đi thăm quan học tập mô hình, trao đổi kinh nghiệm cùng với các dịch vụ hỗ trợ đã  góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm  trong phát triển kinh tế VAC của  nhiều nông dân ở Thái Thụy. Họ mạnh dạn tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới  vào sản xuất, thâm canh, đi đầu thực hiện các dự án chuyển đổi vùng úng trũng nội đồng, vùng đầm bãi ven sông, ven biển sang NTTS. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 5.250 gia trại, trang trại  mà hầu hết là các mô hình VAC tổng hợp.

Hàng ngàn nông dân nhờ vậy mỗi năm có nguồn thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. 5 năm qua, Thái Thụy  đã chuyển đổi được 634,9 ha diện tích cấy lúa, làm muối kém hiệu quả  sang NTTS cho hiệu quả kinh tế cao như ở: Thái Thủy, Thái Đô, Thái Hồng, cánh đồng Ba Đạc 80... góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Cùng với đó, phong trào cải tạo vườn tạp trồng cây cảnh, tận dụng đất trống trồng hoè cũng phát triển rộng khắp. Hiện tại, trên đất Thái Thụy có khoảng 100 ngàn cây hoè đang cho thu hoạch, sản lượng năm 2010 ước đạt 38 ngàn tấn, bán được giá nên người nông dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ để nhân rộng các mô hình làm kinh tế VAC cho hiệu quả kinh tế cao là hướng đi tích cực của HLV huyện Thái Thụy trong thời gian qua. Chính điều này đã đáp ứng phần nào nhu cầu, lợi ích của hội viên, từ đó thu hút nhiều nông dân tham gia sinh hoạt, làm tăng sự gắn bó giữa hội viên với tổ chức hội, hội viên với phong trào, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa