Thứ 2, 18/11/2024, 23:27[GMT+7]

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương

Thứ 4, 07/09/2016 | 20:10:43
1,338 lượt xem
Chiều ngày 7/9, Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó tập trung vào các chủ trương, giải pháp đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nôn

Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Tích tụ ruộng đất nông nghiệp là chủ trương lớn được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) để tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Thực hiện chủ trương trên, hiện nay tỉnh đang triển khai xây dựng Đề án tích tụ ruộng đất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với tổng diện tích 1.350ha. Nhìn chung, các mô hình khi thực hiện tích tụ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường do khi thực hiện tích tụ, sản xuất theo quy mô lớn được ứng dụng cơ giới hóa nhiều khâu trong quá trình sản xuất, giảm chi phí về vật tư, nhân công… Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô và khối lượng hàng hóa lớn với những sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu để tiêu thụ nông sản, thực phẩm; chú trọng một số mặt hàng chủ lực như gạo, thịt lợn sữa, ngao…

Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và phân cấp quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản ở các ngành, địa phương; phối hợp với các bộ, ngành trung ương trong việc khai thác khí mỏ tại Tiền Hải; thử nghiệm thăm dò, khai thác than nâu; chỉ đạo khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước khoáng. Đã ban hành, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định về các hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động khoáng sản tại địa phương.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, kiến nghị nhiều nội dung xung quanh vấn đề tích tụ ruộng đất và phát triển thị trường nông sản ở địa phương.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan trang trại của anh Bùi Đình Hiếu ở xã Hồng An (Hưng Hà).

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của địa phương, trên cơ sở đó Đoàn sẽ tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng chí Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất là giải pháp có tính chất đột phá thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa hướng tới hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu Thái Bình thực hiện hiệu quả việc tích tụ ruộng đất sẽ tạo được sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để việc tích tụ ruộng đất của tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đồng chí gợi ý Thái Bình nên ưu tiên sử dụng hai hình thức tích tụ ruộng đất, đó là thuê lại quyền sử dụng đất và góp đất sản xuất. Ngoài ra, tỉnh nên có chính sách hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tích tụ ruộng đất cũng như người dân đã nhượng đất tiếp tục có việc làm để có thu nhập. Về phát triển thị trường nông sản, đồng chí Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương khẳng định đây là vấn đề lớn, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến chính sách quốc gia. Trên cơ sở kiến nghị của địa phương, Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền, còn đối với địa phương, đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp đã đề ra.

Đồng chí Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả hơn nữa giữa các ngành chức năng của tỉnh với các địa phương trong tỉnh và với các địa phương giáp ranh trong việc thực thi các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đi tham quan, khảo sát thực tế mô hình tích tụ ruộng đất của gia đình anh Bùi Đình Hiếu tại xã Hồng An (Hưng Hà); nghe Huyện ủy Hưng Hà báo cáo tình hình nông nghiệp, việc tích tụ đất và hoạt động của các HTX DVNN trên địa bàn huyện.

Đào Quyên - Thành Tâm

  • Từ khóa