Chủ nhật, 17/11/2024, 01:54[GMT+7]

Thái Thụy Giải pháp tạo đột phá trong phát triển CN - TTCN

Thứ 6, 01/04/2011 | 15:47:56
2,116 lượt xem
Những năm qua, Thái Thụy (Thái Bình) đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển CN-TTCN nhưng do điều kiện khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư... nên tốc độ tăng trưởng của ngành kinh tế này vẫn đạt thấp, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương ven biển.

Đan giỏ mây xuất khẩu tại Doanh nghiệp Thanh Bình( Thái Xuyên - Thái Thụy)

Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN của Thái Thụy đạt 754 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2009, nhưng cũng chỉ xếp thứ 5, thứ 6 so với các địa phương khác trong tỉnh. Toàn huyện có 40 doanh nghiệp và 5.380 cơ sở sản xuất CN-TTCN, thu hút 38 ngàn lao động tham gia nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở cụm ngư nghiệp Tân Sơn, trong khu dân cư, ven đường giao thông 48 xã, thị trấn. Từ nhiều năm qua, huyện đã quy hoạch thêm các cụm công nghiệp Thụy Hà, Mỹ Xuyên,  điểm công nghiệp Thụy Hải, Thụy Quỳnh, Thái Thuỷ nhưng do thiếu vốn, chưa giải phóng được mặt bằng nên đến nay vẫn chưa có dự án đầu tư, hoặc có đăng ký nhưng không triển khai được.

Thái Thụy có 2 xã nghề, 26 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, mỗi năm tạo việc làm cho 12 - 15 ngàn lao động, nhưng đến nay vẫn chưa quy hoạch được một cụm công nghiệp làng nghề nào. Trong đó, nhiều làng nghề truyền thống  làm nón, làm chiếu, ươm tơ, làm lưỡi câu, lưới vó.... thực tế không còn hoạt động. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thậm chí một số doanh nghiệp vận tải biển ngừng hoạt động khiến CN-TTCN của huyện càng thêm khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Xuân Nhuệ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, Thái Thụy quyết tâm tạo bứt phá trong phát triển CN- TTCN. Theo đó, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm đạt trên mức 26%; mỗi năm tạo  việc làm mới cho từ 2 đến 3 ngàn lao động, xây dựng 1 đến 2 làng nghề mới; huy động mọi nguồn vốn có thể để triển khai giải phóng mặt bằng, từng bước xây dựng hạ tầng,  mỗi năm thu hút từ 3 đến 5 dự án vào đầu tư để đến năm 2015 lấp đầy hết các cụm, điểm công nghiệp. Đối với cụm công nghiệp Mỹ Xuyên, Thái Thụy đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư một phần hạ tầng, dự kiến trong năm 2011 thu hút 2 dự án đầu tư. Từ năm 2012 đến 2015 sẽ hoàn thiện xây dựng hạ tầng nội bộ, vận dụng hiệu qủa chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động địa phương và các xã lân cận.

Với điểm công nghiệp Thụy Hải, huyện giao cho địa phương, doanh nghiệp triển khai phương án giải phóng mặt bằng, di chuyển bãi rác, nghĩa địa, hạ tầng, huy động vốn xây dựng kênh tiêu nước, đường giao thông; dự kiến trong năm 2011 sẽ lấp đầy.

Bên cạnh đó, trong năm 2011-2012 hoàn thiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch thêm 2 cụm công nghiệp Thái Dương, Thanh Phong nhằm đáp ứng thêm nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp. Song song với việc triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, Thái Thụy tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thu hút các dự án đầu tư mới. Huyện thành lập các đoàn khảo sát, nghe tình hình sản xuất thực tế của các doanh nghiệp; nhất là đối với các doanh nghiệp vận tải biển... để tìm giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng các thủ tục pháp lý, trình tự đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại huyện. ưu tiên các dự án có tính khả thi cao, bảo đảm năng lực về tài chính, tạo nhiều việc làm cho lao động như may mặc, dự án có trình độ công nghệ, các dự án mở rộng quy mô, đang sản xuất hiệu quả phù hợp với quy hoạch nông thôn mới ở các địa phương trong huyện; không phê duyệt các dự án tự phát, không thuộc quy hoạch.

Để đẩy mạnh, phát triển nghề và làng nghề, Thái Thụy tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết 01, đánh giá lại thực trạng hoạt động và duy trì sản xuất những nghề hiện có như: mây tre đan, móc sợi, may mặc, thêu, cơ khí, mộc, làm hương, chế biến nông hải sản.... trên cơ sở lợi thế phát triển của từng vùng. Tăng cường hỗ trợ đào tạo và du nhập nghề mới ở các địa phương từ nguồn vốn khuyến công, vốn huy động của các doanh nghiệp. đặc biệt quan tâm đào tạo nghề cho người lao động tại Mỹ Lộc và các xã lân cận bị thu hồi đất để xây dựng Trung tâm điện lực, tập trung vào các nghề có lợi thế về nguyên liệu, trình độ tay nghề và thị trường tiêu thụ như mây tre đan, móc sợi, may mặc. Tổ chức cho các cơ sở, doanh nghiệp đi tham quan mô hình sản xuất tại các doanh nghiệp, làng nghề ở trong và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm, mở rộng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Dóng dựng phát triển doanh nghiệp trong làng nghề để làm trụ cột, khuyến khích các cơ sở có đủ năng lực, điều kiện tiến tới thành lập doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Cùng với những giải pháp thuộc lĩnh vực ngành, Thái Thụy đang huy động tổng lực các nguồn vốn, nhất là các các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ngân sách địa phương để xây dựng kết cấu hạ tầng  kỹ thuật, nâng cấp các tuyến đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá, thu hút đầu tư nhằm đưa sản xuất CN-TTCN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình
                                                                                                    
                                                                                    

  • Từ khóa