Chủ nhật, 17/11/2024, 01:38[GMT+7]

An Thanh Nỗ lực phá thế thuần nông

Thứ 2, 04/04/2011 | 10:49:34
1,827 lượt xem
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền xã An Thanh (Quỳnh Phụ) luôn quan tâm đến việc mở rộng ngành nghề, đa dạng hoá các loại hình kinh doanh dịch vụ. Coi đây là nhiệm vụ kinh tế trọng tâm, là giải pháp chủ yếu để đến năm 2015 phấn đấu giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống dưới 25%.

Nông dân xã An Quý - Quỳnh Phụ gieo trồng và chăm sóc cây màu vụ xuân hè. Ảnh: Thành Tâm

Nếu so với các địa phương khác ở Quỳnh Phụ thì An Thanh là xã nhỏ, ít dân; sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng và không có nhiều các ngành nghề thủ công truyền thống. Chính vì vậy để tạo được sự chuyển dịch  cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng CN - TTCN và TM - DV, cấp uỷ, chính quyền nơi đây đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xã: sẵn sàng đáp ứng về quỹ đất khi chủ cơ sở có nhu cầu xây dựng nhà xưởng; tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính.

 

Bên cạnh đó chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội khuyến khích hội viên du nhập đưa nghề mới về, đồng thời đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng giúp hội viên vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất. Phối hợp với Trung tâm khuyến công và một số ngành chức năng tổ chức mở lớp đào tạo nghề cho nông dân ngay tại xã. Khuyến khích mô hình liên doanh, liên kết hình thành các tổ sản xuất gia công cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

Thường xuyên cập nhập và cung cấp kịp thời các thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu - cụm công nghiệp và lao động có thời hạn tại nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong việc phát triển ngành nghề sản xuất - kinh doanh.

 

Ngoài ra, chính quyền xã còn huy động tối đa mọi nguồn lực theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh. Chỉ riêng năm 2010, An Thanh đã trích ngân sách kết hợp với hỗ trợ của cấp trên đầu tư 5, 1 tỷ đồng cho lĩnh vực XDCB. Cùng với nguồn vốn từ ngân sách, các thôn còn vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí làm mới gần 1.000m2 đường giao thông bằng các vật liệu cứng...

 

Nhờ các giải pháp nói trên, Những năm gần đây, các ngành nghề thủ công ở An Thanh đã có bước phát triển khá sôi động và toàn diện. Toàn xã hiện có tới 27 loại ngành nghề khác nhau, trong đó có một cơ sở sản xuất khăn tay xuất khẩu thu hút khoảng 60 lao động.

 

Ngoài ra còn phải kể đến một số nhóm nghề khác như: Nghề cơ khí với năng lực chế tác cửa hoa, dậu sắt khoảng 55 tấn / năm và doanh thu từ sửa chữa khoảng 500 triệu đồng / năm. Nhóm nghề vật liệu xây dựng với năng lực sản xuất khoảng 3 triệu viên gạch / năm, 2, 7 triệu viên ngói xi măng/ năm và khai thác chừng 55.000m3 cát cung cấp cho thị trường xây dựng.

 

Nhóm nghề chế biến lâm sản với đa dạng các sản phẩm gồm: Bàn ghế các loại (sản lượng khoảng 100 bộ / năm), giường các loại (115 sản phẩm / năm), cánh cửa các loại (khoảng 660 bộ / năm), cầu thang tiện (120m/ năm); dệt chiếu cói các loại (3.500 lá), xe đay (142 tấn), đan tre thủ công (7.000 sản phẩm / năm)... Nhóm nghề chế biến LT - TP với năng lực xay xát khoảng 1.000 tấn / năm, trung bình hàng năm các hộ dân ở An Thanh còn cung cấp cho thị trường khoảng 15 tấn đậu phụ, 20 tấn men rượu và gần 40.000 lít rượu gạo...

 

Hiện các ngành nghề thủ công đang tạo việc làm cho khoảng 500 lao động và mang lại giá trị sản xuất khoảng 6 tỷ đồng / năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN -TTCN giai đoạn 2005- 2010 đạt gần 18%/ năm. Cùng với ngành nghề, hoạt động thương mại - dịch vụ của xã thời gian qua cũng có bước phát triển tốt.

 

Tại các tuyến đường trục đã hình thành được các đại lý bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hoá đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng với các loại hình dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng. Toàn xã hiện có 6 thuyền vận tải, 14 máy cày tay, 12 máy xay sát, 3 máy hàn xì, 4 máy trộn đảo bê tông, 12 máy tuốt lúa, 1 máy xúc... Giá trị sản xuất TM - DV năm 2010 đạt khoảng 7, 6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,31%.

 

Nhờ chủ trương coi trọng phát triển các ngành nghề thủ công và thương mại - dịch vụ, đến nay An Thanh đã giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 39,56%, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp lên 60,44%. Mục tiêu của xã đến năm 2015 sẽ đưa tổng giá trị sản xuất lên 65 tỷ đồng, gần gấp đôi so với hiện nay. Duy trì tốc độ tăng trưởng CN -TTCN ở mức 22,71%/ năm và TM -DV tăng trung bình 18,7%/ năm để đến năm 2015 tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp chiếm ít nhất 75% tổng giá trị sản xuất của toàn xã.

 

Vũ Mạnh

  • Từ khóa