Thứ 2, 18/11/2024, 23:34[GMT+7]

Ủy ban nhân dân tỉnh nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng

Thứ 3, 03/01/2017 | 14:56:28
1,564 lượt xem
Sáng ngày 3/1, UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến về công tác giải phóng mặt bằng Dự án khu đô thị phía Nam (khu A), thành phố Thái Bình; dự thảo kế hoạch quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

 

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan dự họp.

           

Khu đô thị phía Nam, thành phố Thái Bình được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 878/QĐ-UBND ngày 26/4/2012 với diện tích 28,8ha và điều chỉnh tại Quyết định số 3249/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 với diện tích 26,3ha. Theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, dự án thu hồi 26,3ha đất của 327 hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, có 23ha đất nông nghiệp của 302 hộ; 0,15ha đất ở của 25 hộ; 3,15ha đất giao thông, thủy lợi và các loại đất khác.

 

Trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đa số các hộ dân đều đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên vẫn có một số hộ chưa nhất trí nhận tiền, chưa phối hợp kiểm đếm tài sản, cây cối, hoa màu trên đất do một số hộ kiến nghị liên quan đến diện tích đất, đối tượng, giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp và kiến nghị được thỏa thuận với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường… Đến nay, qua 8 lần thông báo chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ có 81/257 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ kinh phí trên 17 tỷ đồng, còn lại 176 hộ chưa đồng ý nhận tiền với tổng số kinh phí trên 33,4 tỷ đồng.

           

Dự thảo kế hoạch quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng nhằm khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực để phát triển mạnh mẽ và toàn diện các ngành kinh tế biển với cơ cấu phong phú, hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa. Xây dựng khu kinh tế ven biển của tỉnh theo quy chế khu kinh tế ven biển quốc gia, đưa vùng ven biển trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi khai thác vùng bãi bồi khu vực ven biển các xã: Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (Tiền Hải) và các xã: Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Đô, Thái Thượng (Thái Thụy) nhằm tạo quỹ đất phát triển trong tương lai ổn định và bền vững với diện tích khoảng trên 3.000ha; đồng thời kết hợp giao thông ven biển, bảo đảm tăng cường an ninh chính trị khu vực phòng thủ biên giới ven biển…

           

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định khu đô thị phía Nam là dự án trọng điểm để Thành phố sớm trở thành đô thị loại 1, mang lại giá trị về kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của Thành phố nói riêng. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm khắc phê bình UBND Thành phố, cảnh cáo chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường do đã không thực hiện nghiêm quy định của UBND tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Để giải quyết sớm tình trạng trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố và các ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh cam kết sẽ thực hiện xây dựng khu đô thị phía Nam theo đúng quy định hiện hành của pháp luật và dự án này chỉ được triển khai khi các vướng mắc đều được giải quyết thỏa đáng. Trước mắt cần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố nói chung, địa bàn phường Trần Lãm nói riêng; Thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng mở các cuộc đối thoại để người dân tự nguyện tháo dỡ lều bạt, băng rôn, khẩu hiệu tại khu vực trên trước Tết Nguyên đán năm Đinh Dậu 2017…

Phát triển kinh tế biển là một trong 5 trọng tâm cần tập trung tạo bước đột phá, tăng trưởng kinh tế của Thái Bình.

           

Về kế hoạch quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định từ nhiều năm nay, Thái Bình đã đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển là một trong 5 trọng tâm cần tập trung tạo bước đột phá, tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thực hiện chủ trương trên, hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy đã xác định hướng đi phát triển kinh tế chủ yếu là khai thác lợi thế kinh tế biển, trong đó tập trung vào 2 lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Việc quai đê lấn biển hợp với xu thế tất yếu của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, hướng ra biển để xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm. Để bảo đảm giải pháp kết cấu, phương án tuyến đê và quy mô của kế hoạch, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải giữ vững môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường, ổn định tình hình xã hội; tạo thuận lợi trong quá trình thi công, đặc biệt là công tác hợp long đê, tiêu thoát úng, bồi đắp đất mới, cải tạo thổ nhưỡng; tạo tuyến đường giao thông trên đê chính, hệ thống đường hành lang chân đê thuận lợi cho công tác phòng chống lụt bão, phát triển dân sinh - kinh tế -  xã hội; ngành Nông nghiệp tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành để hoàn thiện dự thảo kế hoạch quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trình UBND tỉnh trước ngày 10/1/2017.

Phạm Hưng

                                                                       

  • Từ khóa