Chủ nhật, 17/11/2024, 01:42[GMT+7]

Giải pháp tháo gỡ khó khăn về nhiên liệu cho các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải

Thứ 6, 06/05/2011 | 08:39:03
2,880 lượt xem
Năm 2010, sản lượng khí khai thác và cung cấp cho doanh nghiệp chỉ đạt 6,5 triệu m3, trong khi nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp cao gấp hàng chục lần. Dự kiến năm 2011, sản lượng khí khai thác tiếp tục giảm và chỉ đạt khoảng 4 triệu m3 khí. Để khắc phục khó khăn trước mắt, một số doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải đã chọn giải pháp tình thế là than hoá khí.

Nhà máy VIGLACERA Thái Bình tại khu công nghiệp Tiền Hải. Ảnh: Thành Tâm

Những năm qua, nhờ có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là nguồn khí mỏ thiên nhiên cung cấp với giá ưu đãi nên tỉnh ta đã thu hút khá nhiều các doanh nghiệp sản xuất VLXD, sành, sứ và thuỷ tinh. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nguồn khí mỏ ngày càng trở nên khan hiếm làm ảnh hưởng không nhỏ đến SX- KD của các doanh nghiệp. Hiện các ngành chức năng đang tích cực tìm kiếm giải pháp bảo đảm cung cấp nhiên liệu ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp để từng bước đưa ngành công nghiệp VLXD, sành sứ, thuỷ tinh trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.

  

Tính đến hết năm 2010, trên địa bàn tỉnh ta đang có 66 doanh nghiệp tham gia sản xuất VLXD, sành, sứ, thuỷ tinh. Trong đó có 39 doanh nghiệp sản xuất VLXD, 19 doanh nghiệp sản xuất sành sứ và 8 doanh nghiệp sản xuất thuỷ tinh, pha lê các loại. Hầu hết các doanh nghiệp nói trên đều tập trung tại KCN Tiền Hải- nơi có nguồn khí mỏ thiên nhiên được đưa vào bờ và bán với giá ưu đãi.

 

Thời gian qua mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức song các doanh nghiệp sản xuất VLXD vẫn có bước phát triển toàn diện, đóng góp ngày càng quan trọng cho ngành công nghiệp chung của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp VLXD, sành, sứ, thuỷ tỉnh năm 2010 đạt 1.680 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2009 và chiếm tỷ trọng 16,48% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Hàng năm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này còn đóng góp cho ngân sách Nhà nước xấp xỉ 50 tỷ đồng, một số doanh nghiệp có số nộp ngân sách cao đạt từ 4- 14 tỷ đồng/ năm. Nhiều sản phẩm VLXD, sành sứ, thuỷ tỉnh sản xuất tại tỉnh ta đã có uy tín, chất lượng cả trên thị trường trong và ngoài nước, điển hình như sản phẩm sứ vệ sinh của Công ty sứ Đông Lâm, Công ty sứ Hảo Cảnh; sản phẩm thuỷ tinh, pha lê cao cấp của Công ty thuỷ tinh- pha lê Việt Tiệp; sản phẩm gạch ốp lát của Công ty cổ phần gạch ốp lát Thái Bình, Nhà máy gạch Mikado…

 

Đặc biệt, sự phát triển của ngành sản xuất VLXD, sành sứ, thuỷ tinh đang góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 22.000 lao động. Đây cũng là ngành có mức thu nhập khá cao và ổn định so với các ngành khác. Thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 1,7- 2,3 triệu đồng/ người/ tháng, một số doanh nghiệp có mức thu nhập trên 3 triệu đồng/ người/ tháng như: Nhà máy gạch Mikado, Công ty cổ phần gạch ốp lát Thái Bình, Công ty cổ phần VLXD Thái Bình, Công ty cổ phần xi măng Thái Bình…

 

Công nhân Công ty CP gạch men sứ Long Hầu trong giờ làm. Ảnh: Ngọc Trâm 

  

Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất VLXD, sành sứ, thuỷ tinh tại KCN Tiền Hải hiện đang phải đối mặt với một khó khăn rất lớn đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn khí mỏ. Năm 2010, sản lượng khí khai thác và cung cấp cho doanh nghiệp chỉ đạt 6,5 triệu m3, trong khi nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp cao gấp hàng chục lần. Dự kiến năm 2011, sản lượng khí khai thác tiếp tục giảm và chỉ đạt khoảng 4 triệu m3 khí. Để khắc phục khó khăn trước mắt, một số doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải đã chọn giải pháp tình thế là than hoá khí. Tuy nhiên cách làm này khá tốn kém, trung bình để có 1m3 khí các doanh nghiệp phải bỏ ra từ 15.000- 16.000đ khiến giá thành đầu vào bị đội lên rất nhiều, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường.

 

Về phía các ngành chức năng cũng đã vào cuộc tìm giải pháp cho bài toán thiếu nhiên liệu nói trên. Đơn cử như Tổng công ty khí (trực thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Namon>) đã tiếp nhận toàn bộ tài liệu về dự án khí hoá than cung cấp cho các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải từ Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí. Tuy nhiên dự án được đánh giá là không khả thi, không phù hợp với sản xuất của các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải nên đã tạm dừng. Một phương án khác được Tổng công ty khí đưa ra đó là cung cấp nhiên liệu LNG, CNG hoặc LPG cho các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải bằng các phương tiện đường bộ song chi phí lại quá cao, với phương án mà các doanh nghiệp chấp nhận được thì Tổng công ty khí bị lỗ từ 10- 15%.

  

Sau khi các phương án tình thế nói trên đều không khả thi, các ngành chức năng đã thống nhất chọn giải pháp lập hệ thống thu gom và phân phối khí từ thềm lục địa vào bờ là khả thi, mang tính lâu dài và hiệu quả kinh tế cao nhất. Qua thăm dò khu vực thềm lục địa vịnh Bắc bộ tại các mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình tại các lô 102 và 106 đã phát hiện có dầu, khí và được đánh giá trữ lượng tương đối lớn, đủ để khai thác thương mại. Hiện Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đang tích cực chỉ đạo Tổng công ty khí lập dự án xây dựng “Hệ thông thu gom và phân phối khí tại mỏ Hàm Rồng và Thái Bình thuộc các lô 102 và 106” để đưa vào bờ cung cấp cho các doanh nghiệp.

 

Về phía tỉnh Thái Bình đã có văn bản thống nhất vị trí tiếp bờ, tuyến đường ống, vị trí trạm xử lý, trạm phân phối làm căn cứ giúp Tổng công ty khí triển khai khảo sát chi tiết và lập dự án đầu tư. Về phía Tổng công ty khí cũng đang khẩn trương triển khai công tác khảo sát phục vụ lập dự án đầu tư phần trên đất liền thuộc địa phận huyện Tiền Hải và ngoài khơi vịnh Bắc bộ. Dự kiến giữa năm 2011 này, Tổng công ty khí sẽ trình dự án lên cấp có thẩm quyền phê duyệt chính thức.

  

Với tiến độ như hiện nay và sự phối hợp tích cực từ các phía, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam phấn đấu trong năm 2014 sẽ đưa được khí từ ngoài khơi vào bờ cung cấp cho các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải. Dự kiến khi hoàn thành dự án thu gom và phân phối khí, sản lượng khí khai thác và đưa vào bờ sẽ đạt khoảng 1 triệu m3/ ngày đêm, tức chỉ 4 ngày đã bằng sản lượng của cả năm 2011.

 

Theo tính toán của các doanh nghiệp, khi đưa vào bờ giá thành của 1m3 khí sẽ vào khoảng 9.000- 10.000đ, vẫn thấp hơn nhiều so với giải pháp khí hoá than hoặc sử dụng nhiên liệu LPG như hiện nay. Khi đó tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất sẽ được khắc phục triệt để, đồng thời đây còn là cơ hội lớn để tỉnh ta mở rộng gấp đôi diện tích KCN Tiền Hải nhằm đón làn sóng các doanh nghiệp sản xuất VLXD, sành sứ, thuỷ tính đến hợp tác đầu tư phấn đấu từng bước đưa ngành này trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh ta trong tương lai không xa.

 

Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa