Thứ 6, 15/11/2024, 21:38[GMT+7]

Thái Thụy Ngư dân lao đao vì giá xăng dầu tăng cao

Thứ 2, 16/05/2011 | 16:45:40
2,136 lượt xem
Từ ngày 24/2 đến nay, Bộ Tài chính đã 2 lần điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, trong đó dầu Điêzen tăng 6.350 đồng/lít (tăng 43%) và hiện ở mức 21.100 đồng/lít. Cũng giống như những vùng ven biển khác, ở Thái Thụy, việc tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến nghề khai thác hải sản của địa phương và đời sống của ngư dân.

Hàng chục tàu khai thác hải sản vẫn neo đậu ở bến cá Tân Sơn mặc dù đang vào mùa đánh bắt cao điểm

Chúng tôi có mặt tại bến cá Tân Sơn ( Thụy Hải) một ngày giữa tháng 4, trời yên biển lặng, dù đang là thời kỳ  cao điểm của mùa đánh bắt nhưng không khí ở đây yên ắng lạ thường. Hàng chục chiếc tàu khai thác hải sản vẫn neo đậu ở bến giống như ngày tránh bão.

 

Anh Nguyễn Khuông Thành, Trưởng Tập đoàn tàu khai thác gần bờ của xã Thụy Hải cho biết " Toàn xã hiện có 36 tàu khai thác gần bờ công suất từ 20 đến 24 CV. Trước đây nếu thời tiết thuận, bình quân mỗi tháng ngư dân có từ 18 đến 20 ngày ra biển. Sau một ngày đánh bắt trở về, bình quân một lao động thu nhập từ 200 đến 300 ngàn đồng, có khi “thắng quả” thu cả triệu đồng. Nhưng giờ giá xăng dầu tăng cao , mỗi lần ra khơi chỉ mong đủ tiền dầu, có thêm chút cá ăn là đã mừng lắm rồi".

 

Tiếp thêm lời Đoàn trưởng, anh Nguyễn Khuông Vinh, ngư dân ở thôn Quang Lang Đông (Thụy Hải) chia sẻ: " Một tàu cá công suất 20CV đi ra biển một ngày tiêu tốn khoảng 24 lít dầu cộng thêm các khoản khác trước đây chỉ mất từ 400 đến 500 ngàn đồng, nhưng giờ chi phí tăng lên khoảng 40% nên làm chẳng ăn thua. Chưa năm nào biển lại ít cá như năm nay, sản lượng đánh bắt giảm tới một nửa nhưng giá cá vẫn giữ nguyên không tăng. Như mọi năm, tháng 4 này đang là vụ đánh bắt sứa, hai thuyền kéo được khoảng 300 con, nhưng năm nay kéo cả ngày chỉ được vài con, cứ tình trạng này  không biết chúng tôi sẽ sống ra sao".

 

Không chỉ có tàu khai thác gần bờ gặp khó khăn mà tàu xa bờ cũng lỗ nặng. Anh Nguyễn Công Nhần, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết: " Năm ngoái xã có 2 đôi tàu xa bờ nhưng vừa qua vì chi phí tăng cao, thiếu lao động nên chủ tàu đã bán bớt một đôi. Đôi còn lại có công suất 320 CV, một ngày ra biển tiền dầu tiêu tốn trên 30 triệu đồng, từ đầu năm đến nay tàu ra biển chuyến nào là lỗ chuyến ấy, đi nhiều thì lỗ nhiều, đi ít thì lỗ ít. Vụ cá Bắc đã vậy, còn vụ Namon> năm nay cá xuất hiện muộn hơn nên chắc cũng không ăn thua". 

 

Thụy Hải là xã duy nhất của Thái Bình không có đất lúa, cuộc sống của người dân địa phương gắn chặt với nghề làm muối, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản. ước tính, toàn xã có khoảng 500 người làm nghề khai thác hải sản. Thu nhập chính của các gia đình phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cá đánh bắt được. Một người đi biển nuôi nhiều người ở nhà, rồi tiền con cái học hành cũng trông cả vào đấy. Chỉ cần tàu ngừng ra khơi trong vài ngày là người dân nơi đây không biết lấy gì trang trải cuộc sống.

 

Một thực tế đáng buồn hơn là: hầu hết các tàu đánh bắt cá đều xuống cấp, trang thiết bị máy móc nghèo nàn. Ngư dân Tạ Quốc Nghiệp, một thành viên trong Tập đoàn khai thác của xã cho biết thêm:" Nếu đầu tư đóng mới 1 tàu công suất 20CV ít nhất phải đầu tư khoảng 120 triệu đồng, ngư dân như chúng tôi khó khăn thế này lấy đâu tiền ra. Trong số 36 tàu của Tập đoàn 10 năm nay mới có 1 thành viên đầu tư đóng mới 1 tàu, số còn lại tuổi thọ ít nhất cũng từ 7 đến 10 năm, thậm chí có tàu đóng 24 năm nay. Biết tàu rách nát nhưng vì kế sinh nhai vẫn phải liều ra biển, hỏng đến đâu thì sửa đến đấy thôi".

 

Theo số liệu báo cáo của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Thái Thụy hiện có 404 phương tiện khai thác hải sản với tổng công suất 31.573CV, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.500 lao động, tập trung chủ yếu ở 6 xã ven biển. Khai thác hải sản hàng năm vẫn đóng góp một nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế địa phương. Nhưng nay, ước tính có khoảng 2/3 tàu trong số đó nằm bờ hoặc có số ngày đi biển ít hơn thường lệ.

 

Nhiều ngư dân cho biết: ra biển thì sợ lỗ nhưng nếu tàu nằm bờ thì chẳng biết lấy gì mà ăn. Việc tăng giá xăng dầu, thiếu nguyên liệu cũng đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn. Toàn huyện có gần 20 cơ sở chế biến Sứa, nhưng do không có nguyên liệu nên thời điểm này xưởng nào cũng đóng cửa.

 

Anh Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Biển Đông, một doanh nghiệp chế biến hải sản quy mô lớn cho biết: "Từ đầu năm đến nay nguồn tôm cá chế biến tại xưởng chủ yếu là sản phẩm cấp đông tích trữ từ năm ngoái. Năm nay, nguyên liệu nhập ít lắm chẳng đáng là bao chỉ hi vọng vào vụ Sứa và vụ cá Mai sắp tới, nhưng xem ra cũng không ăn thua".

 

Còn anh Nguyễn Bắc Hà, Giám đốc Nhà máy Bột cá Thụy Hải cho biết: " Doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến bột cá công suất 70.000 tấn cá tươi/năm, mặc dù rải tàu đi thua mua cá khắp từ Đà Nẵng trở lại đây nhưng cũng không đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến. 4 tháng đầu năm, nhà máy mới thu mua được 6.000 tấn cá tươi, tương đương với công suất chế biến đạt 1.500 tấn/tháng .

 

Qua tiếp xúc, nhiều ngư dân của Thái Thụy cho biết: Nếu như giá xăng dầu cứ ở mức cao như hiện nay và tiếp tục tăng, không chỉ cuộc sống của họ gặp rất khó khăn mà nghề khai thác của địa phương cũng khó phát triển. Hơn thế, người đi biển hiện nay cũng khó có thể đổi sang nghề gì khác để kiếm kế sinh nhai.

 

Vì vậy, để giúp ngư dân Thái Thụy cũng như những ngư dân trên cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này, trước mắt đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế hỗ trợ ngư dân giá xăng dầu; hỗ trợ Thái Thụy nguồn kinh phí để nạo vét, khơi thông luồng lạch cảng Diêm Điền, cảng cá Tân Sơn vì những nơi này bị bồi lắng quá nông. Bên cạnh đó, để vực dậy nghề khai thác hải sản của địa phương, giúp ngư dân yên tâm sản xuất, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi đầu tư cải tiến phương tiện, ngư lưới cụ, tăng thời gian bám biển, mở rộng ngư trường .

 

Ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, bản thân mỗi ngư dân cũng phải nêu cao ý thức tự vượt khó: liên kết thành các tổ, đội sản xuất trên biển để giúp đỡ, thông báo cho nhau về ngư trường, thời tiết; thành lập các tàu thương mại-dịch vụ cung cấp các vật dụng thiết yếu như: nước ngọt, nước đá, xăng dầu và thu mua, vận chuyển những sản phẩm khai thác tạo điều kiện để tàu hoạt động dài ngày hơn trên biển, giảm chi phí mỗi chuyến đi…

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa