Thứ 7, 16/11/2024, 23:23[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến về tăng cường quản lý thủy nông và cấp bù thủy lợi phí

Thứ 3, 24/05/2011 | 08:27:54
2,218 lượt xem
Chiều 23/5/2011, Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố về tăng cường quản lý thủy nông và cấp bù thủy lợi phí. Đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì hội nghị. Đầu cầu trực tuyến tỉnh Thái Bình do đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, chủ trì hội nghị tại đầu cầu Thái Bình.

Chính sách miễn giảm thủy lợi phí theo quy định của Nghị định 115/2008/NĐ-CP, ngày 14/11/2008 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân tập trung đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao lợi nhuận...được nhân dân đồng tình ủng hộ.

 

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, kết quả phục vụ tưới tiêu của các công trình thủy lợi được tăng lên rõ rệt; nhiều hệ thống công trình thủy lợi được duy tu sửa chữa, kênh mương thường xuyên được nạo vét, mở rộng diện tích tưới tiêu. Điển hình về tỷ lệ kinh phí miễn thủy lợi phí được dành cho công tác duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi tăng lên, như Thái Bình, Hải Dương, Namon> Định...đều đạt trên 30% tổng kinh phí.

 

Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho việc bảo đảm đời sống của cán bộ, công nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi, không còn tình trạng chậm lương, nợ lương...Tuy nhiên, việc triển khai chính sách miễn thủy lợi phí theo quy định của Nghị định 115 cũng còn nhiều bất cập, cần bổ sung, thay đổi trong thời gian tới.

 

Cụ thể, việc lấy mức quy định của Nghị định 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ làm cơ sở tính toán, sau đó nhân với hệ số trượt giá (2,31 lần) để xác định mức thu theo quy định của Nghị định 115 là không phù hợp với thực tế. Hay mức thủy lợi phí tạo nguồn và đối với diện tích phải thực hiện bơm 2 cấp hay 3 cấp, không tách được chi phí của diện tích được tưới riêng, tiêu riêng...

 

Trước những vấn đề trên, đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tham gia góp ý một số vấn đề: Miễn thủy lợi phí là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, rất hợp với lòng dân, do đó cần tiếp tục triển khai thực hiện vấn đề này. Đặc biệt, đối với các tỉnh sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, chính sách này đã khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất, tránh được tình trạng bỏ ruộng.

 

Đối với Thái Bình, sau khi phân cấp hệ thống thủy lợi xuống các xã, bàn giao cho các HTX dịch vụ nông nghiệp đã phát huy được hiệu quả cao; HTX đã chủ động tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, tiết kiệm được 1/3 tiền điện so với trước kia. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Tài chính, khi giao kinh phí miễn thủy lợi phí cho các địa phương thì nên để địa phương đó điều chỉnh nguồn kinh phí này cho sát với thực tế của tỉnh. Ngoài ra, kinh phí mà Bộ Tài chính cấp cho các địa phương được xây dựng ổn định  trong 5 năm là không phù hợp, cần phải bổ sung...

 

Trước những vấn đề còn tồn tại khi triển khai thực hiện Nghị định 115, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ; đồng thời kiến nghị với Bộ Tài chính, trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định này, nhằm khắc phục được những tồn tại trong việc thực thi chính sách miễn thủy lợi phí. Ngoài ra, các địa phương cần triển khai đồng bộ chính sách miễn thuỷ lợi phí, nhất là việc ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các nội dung Nghị định 115 và các hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & PTNT...

                                                                    

Tin, ảnh: Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa