Thứ 7, 16/11/2024, 23:27[GMT+7]

Giải pháp phòng ngừa, xử lý và bảo đảm an ninh môi trường

Thứ 6, 27/05/2011 | 07:47:11
1,718 lượt xem
Trong tiến trình đẩy mạnh CNH ,HĐH, tỉnh ta luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường và xác định đây là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ về bảo vệ môi trường chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, việc giải quyết hài hoà mối quan hệ phát triển bền vững - an sinh xã hội - bảo vệ môi trường trở thành một trong những yêu cầu quan trọng trong chiến lược phát

Đến nay, tỉnh ta mới chỉ có 7 khu, cụm, điểm công nghiệp có thủ tục hành chính về môi trường; vẫn còn 4 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp chưa hoàn thành quy hoạch, hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, khu trung chuyển và xử lý chất thải rắn. Đến tháng 11/2010, toàn tỉnh có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh; Song phần lớn các cơ sở đều chưa coi trọng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý hoặc thiết bị xử lý chất thải, nước thải.

Vì vậy, kết quả quan trắc mẫu nước thải hàng năm tại các cửa xả của doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp các thông số đều vượt tiêu chuẩn quy định. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị đang ngày một tăng và phức tạp. Tình hình ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn và làng nghề, ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế cũng đang trong tình trạng báo động và dần trở thành áp lực lớn đối với xã hội.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn. Trong khi đó, hệ thống chính sách pháp luật bảo vệ môi trường của Nhà nước chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội. Vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan trung ương đối với địa phương còn ít, một số việc giải quyết chưa tạo sự thống nhất cao. Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền một số địa phương trong tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường còn xem nhẹ, chưa xác định rõ trách nhiệm của mình, khi triển khai còn chậm trễ, vướng mắc. Sự phối kết hợp trong thực hiện bảo vệ môi trường giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa cao. Công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường chưa được thường xuyên, chưa sát với thực tiễn. 

Theo ông Đặng Phong Ba – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Bình: “Để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cần có những giải pháp phòng ngừa, xử lý và bảo đảm an ninh môi trường một cách đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành. Cụ thể là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động kiểm soát ô nhiễm chất thải, nhất là chất thải nguy hại. Kiểm tra rà soát và có hình thức xử lý các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kinh tế, tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường; nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực về môi trường. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường, cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Triển khai thực hiện các đề án, dự án về bảo vệ môi trường theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 nhằm giảm thiểu triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Bài: Ngọc Hân

  Ảnh: Thành Tâm 

  • Từ khóa