Chủ nhật, 17/11/2024, 11:22[GMT+7]

Tạo sức bật cho nuôi tôm nước lợ (Kỳ 1)

Thứ 4, 31/05/2017 | 08:37:14
1,412 lượt xem
Vừa qua, phát biểu kết luận hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tại Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục tiêu: Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia. Thái Bình là tỉnh có tiềm năng nuôi tôm nước lợ rất lớn do thuận lợi về bãi triều, hệ thống đê bao được đầu tư nâng cấp,

Ương dưỡng tôm giống tại Công ty TNHH Trường Đại (Tiền Hải).

Kỳ 1: Đổi đời nhờ tôm

Năm 2012, Doanh nghiệp Phương Nam, xã Thái Thượng (Thái Thụy) được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học, xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh công nghệ mới. Ban đầu, doanh nghiệp đã đầu tư đồng bộ hệ thống ao nuôi, ao chứa lắng, ao xử lý nước cấp, ao xử lý nước thải, ao sẵn sàng và các loại máy móc khác như: máy ô zôn, máy cho ăn, sục khí, quạt nước, dụng cụ quản lý môi trường. Toàn bộ ao nuôi được che phủ bằng lớp màng nilon bảo đảm che mưa và giữ nhiệt, qua đó Doanh nghiệp chủ động hơn về môi trường nuôi và ít phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ nuôi. 

Anh Đỗ Quang Bốn, Giám đốc Doanh nghiệp Phương Nam cho biết: Tổng diện tích nuôi tôm của Doanh nghiệp là 2.000m2. Mỗi năm nuôi 4 vụ, sản lượng đạt hơn 20 tấn, doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Nếu nuôi tôm theo hình thức truyền thống, người nuôi chỉ thực hiện nuôi được 2 vụ/năm, thời gian kéo dài từ tháng 3 - 9 âm lịch. Khi doanh nghiệp áp dụng hình thức nuôi tôm thâm canh công nghệ mới đã tăng từ 2 vụ nuôi/năm lên 4 vụ nuôi/năm. Trong đó nuôi thêm vụ đông và vụ xuân sớm, mật độ nuôi từ 100 - 250 con/m2. Nuôi tôm công nghệ mới góp phần giúp doanh nghiệp tăng hệ số quay vòng ao nuôi, quay vòng vốn, sớm thu hồi vốn đầu tư, năng suất đạt cao, từ 10 - 12 tấn/ha. Đặc biệt, 2 vụ nuôi tăng thêm là nuôi trái vụ nên tôm bán ra được giá cao, nhất là tôm xuất bán vào dịp tết Nguyên đán cao gấp đôi so với vụ truyền thống trong năm.

Với sự kiên trì, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Đỗ Văn Thiểm, thôn Thành Long, xã Đông Hải (Tiền Hải) xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 8.000m2, chia làm 6 ao nuôi. Hiệu quả kinh tế ước tính sau mỗi vụ nuôi (khoảng 3 tháng) đạt trên 500 triệu đồng. 

Chia sẻ về thành công từ mô hình, anh Thiểm cho biết: Tôm thẻ chân trắng có thời gian nuôi ngắn, năng suất cao, 1ha có thể đạt trên 6 tấn/vụ, thậm chí cao hơn. Để đạt kết quả trên, ngoài hơn 10 năm đúc rút kinh nghiệm, anh Thiểm còn bổ sung kiến thức từ các lớp tập huấn, hội thảo do ngành chuyên môn tổ chức; tham quan các mô hình nuôi tôm ở nhiều nơi về áp dụng vào mô hình của mình… Nuôi tôm thẻ đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn so với tôm sú, đặc biệt là bảo đảm nhu cầu oxy trong suốt quá trình nuôi. Do đó, trang thiết bị cũng phải được đầu tư đồng bộ, khoa học hơn nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế trong quá trình nuôi tôm. Hàng năm anh Thiểm còn đầu tư khoảng 30 triệu đồng để cải tạo ao nuôi, bảo đảm hệ thống tiêu thoát nước đúng quy trình, môi trường ao nuôi luôn sạch sẽ.

Với lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nước lợ nói riêng, tính đến cuối năm 2016, cả tỉnh có hơn 3.400ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, trong đó 2.940ha nuôi tôm (tôm sú 2.689ha, tôm thẻ chân trắng 251ha). Với 4.559 hộ, 6.735 lao động tham gia nuôi tôm, sản lượng tôm toàn tỉnh đạt gần 2.000 tấn, tăng 32,89% so với năm 2015. Giá trị sản xuất đạt gần 200 tỷ đồng.


Ông Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh 

Ngành tôm đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng và mặn xâm nhập. Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi tôm nước lợ như yếu tố thủy triều rất thuận lợi cho việc cung cấp nước đến các diện tích ao nuôi; bước đầu các hộ dân được tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật; cơ chế khuyến khích của UBND tỉnh… Hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích nuôi tôm trên cơ sở ao nuôi, giảm những đối tượng nuôi cho hiệu quả thấp; các sở, ngành liên quan giám sát chặt chẽ nguồn giống, quản lý dịch bệnh. Thực hiện việc nuôi tôm bằng nhiều hình thức, đặc biệt đẩy mạnh phát triển nuôi tôm bằng công nghệ cao. Trong đó xác định doanh nghiệp làm trụ cột và động lực để phát triển ngành tôm trở thành ngành có sức cạnh tranh cao.


Ông Phạm Đức Ký, xã Thái Thượng (Thái Thụy) 

Thời gian qua, đã có sự quan tâm chỉ đạo cũng như hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng về mặt quản lý, tạo điều kiện cho người nuôi phát triển sản xuất. Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước, cùng hiệu quả từ việc nuôi tôm mang lại, ngày càng có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nuôi tôm nước lợ nhanh nhưng chủ yếu theo chiều rộng, việc phát triển chất lượng theo chiều sâu còn hạn chế.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản 

Tôm là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, thích hợp với các hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh nên được nhiều hộ dân chọn nuôi. Con tôm đã giúp cho đời sống nhiều hộ dân được nâng lên rõ nét, có hộ trở lên khá giả hơn. Để nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả, ngành chức năng đã đề ra một số giải pháp như: cải tiến kỹ thuật nuôi tôm theo hướng bền vững, áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường…, qua đó bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

(còn nữa)
Phan Lợi - Mạnh Thắng - Mai Thư - Trần Tuấn