Chủ nhật, 17/11/2024, 11:52[GMT+7]

Phát triển kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế

Thứ 5, 15/06/2017 | 10:29:03
1,734 lượt xem
Với quan điểm phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa là chiến lược lâu dài cũng là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, tỉnh ta đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng như thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh hình thành doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao - Chi nhánh Thái Bình chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy, nâng tổng số nhà máy trên địa bàn tỉnh lên 6 nhà máy.

Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng. Giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có 2.307 doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) chiếm 99,31%, trong đó 98,8% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng doanh thu thuần của khu vực DNNNN giai đoạn này đạt 226.395 tỷ đồng, chiếm 73,3% tổng doanh thu của các khu vực doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, mẫu mã đẹp, giá thành hạ, chất lượng sử dụng cao, có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường như bia Đại Việt, nước giải khát của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, bánh kẹo của Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng, sợi của Công ty Cổ phần Damsan, dịch vụ vận tải hành khách của Công ty Cổ phần Hoàng Hà. 

Đặc biệt, từ năm 2011 đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNNN đạt 2.197 triệu USD, chiếm 45,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, riêng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 1.514 triệu USD, chiếm tỷ trọng 31,14%. Trong thời kỳ này, khu vực DNNNN đóng góp 5.242 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, chiếm 32% tổng thu ngân sách tỉnh, trong đó khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp gần 17%. Ấn tượng nhất là năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt cao nhất từ trước tới nay với 522 doanh nghiệp, tăng 24% so với năm 2015, góp phần đưa tổng số doanh nghiệp của tỉnh lên 5.202 doanh nghiệp, 632 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng số vốn gần 47,45 nghìn tỷ đồng. Đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đưa nguồn thu ngân sách trên địa bàn lần đầu tiên đạt gần 11.000 tỷ đồng. 

doanh nghiệp có số nộp ngân sách cao như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Thái Bình. Không chỉ đóng góp cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp còn góp phần làm thay đổi diện mạo thành thị và nông thôn, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Đơn cử như dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, cộng đồng doanh nghiệp đã ủng hộ gần 27.000 suất quà trị giá trên 8 tỷ đồng cho đối tượng chính sách, người nghèo trong tỉnh.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp, trong đó có 8.750 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hơn 50.000 cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh và 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa thành doanh nghiệp lớn. Với mục tiêu này, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 60% GRDP và 50% tổng thu ngân sách của tỉnh, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 25%. 

Để hoàn thành mục tiêu trên, bình quân mỗi năm tỉnh phải phát triển thêm từ 850 - 900 doanh nghiệp. Điều này không quá khó nếu thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư và thúc đẩy được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Theo số liệu, đến năm 2016, toàn tỉnh có 117.408 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đó có 37.773 hộ đăng ký kinh doanh, đạt tỷ lệ 32,17%. Như vậy, số hộ đăng ký kinh doanh còn thấp nên mới chỉ đóng góp vào ngân sách tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 là 198,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,23% và góp phần vào GRDP bình quân 8,59%/năm.

Để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhiệm vụ trước mắt cần tiếp tục tuyên truyền khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành lập doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, đồng thời hoàn thiện và bảo đảm tính ổn định khung pháp lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo sự đột phá trong huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư nói chung, phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Thu Thủy