Thứ 7, 16/11/2024, 23:30[GMT+7]

Cục Thuế tỉnh Tìm lời giải trong quản lý thu và cưỡng chế nợ thuế

Thứ 5, 02/06/2011 | 15:56:31
2,606 lượt xem
Thu ngân sách năm 2010, ngành thuế tỉnh lần đầu tiên thực hiện được trên 2 nghìn tỷ đồng, đạt 169,4% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 162,7% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2009.

Cục Thuế tỉnh Thái Bình.

Một trong những nguyên nhân đạt được kết quả trên là do ngành thuế đã triển khai có hiệu quả công tác quản lý thu và cưỡng chế nợ thuế. Song, thẳng thắn nhìn thận, mặc dù số thu nợ đạt cao qua các năm, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra của ngành và mục tiêu giảm nợ thuế mà Tổng Cục Thuế giao. Đặc biệt 4 tháng đầu năm 2011, nợ đọng thuế ở nhiều doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng; tổng số nợ thuế đến 30/4/2011 là 341.783 triệu đồng, tăng 6,98% so với 31/12/2010. Trước thực trạng này, Cục thuế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thuế thông qua sự phối hợp với hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.

 

Năm 2010, năm có số thu tăng cao nhất so với dự toán và so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Nhiều chỉ tiêu vượt cao, như thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 309% so với dự toán, vượt 934% so với cùng kỳ; thuế ngoài quốc doanh đạt 118,1% dự toán, tăng 52,1%...Kết quả trên là sự nỗ lực lớn của ngành thuế trong việc thực hiện các biện pháp xử lý thu hồi nợ.

 

Ngành thuế đã đôn đốc thu nợ bằng việc thông báo nộp thuế, thông báo nợ và tiền phạt chậm nộp, gọi điện thoại nhắc nhở hoặc mời đơn vị nợ thuế làm việc trực tiếp để xác định nguyên nhân và cam kết thời gian thanh toán...Đồng thời, theo dõi sát tình hình kê khai, đôn đốc các đơn vị, cá nhân nộp thuế kịp thời trong 30 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp thuế. Do đó, tình hình nợ thuế năm 2010 đã giảm khá lớn; tổng số nợ thuế tính đến 31/12/2010 là 319.495 triệu đồng, giảm 219.915 triệu đồng so với 31/12/2009. Song, những tháng đầu năm 2011, tình trạng nợ thuế lại có xu hướng tăng. Trong khi đó, Tổng cục thuế yêu cầu các đơn vị thực hiện giảm nợ đến mức 4% trên tổng số thu ngân sách theo địa bàn.

 

Khó khăn khi triển khai thu nợ, cưỡng chế nợ thuế, của ngành thuế hiện nay là thông tin về số tài khoản tiền gửi của người nộp thuế chưa đầy đủ; một người nộp thuế có thể mở tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau. Thông thường, người nộp thuế ít khi để số dư tài khoản tiền gửi ngân hàng ở mức cao, nhất là trong điều kiện lạm phát tăng cao và lãi xuất tiền gưỉ, tiền vay luôn ở mức cao như hiện nay. Đồng thời, thời gian xác minh thông tin số dư tài khoản tiền gửi mất nhiều thời gian; người nợ thuế cũng là khách hàng của ngân hàng, họ có thể là người cho vay lẫn đi vay, hoặc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, như thanh toán xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thuế với Kho bạc trong việc xử lý một số doanh nghiệp xây dựng các công trình dùng vốn ngân sách nhà nước được cấp phát tại Kho bạc mà vẫn còn nợ thuế...

 

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc hiện tại, tiến tới giảm nợ thuế ở mức thấp nhất, Cục Thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, đồng thời phối hợp với hệ thống ngân hàng, Kho bạc để thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Ngành thuế tiếp tục thực hiện phạt nộp thuế chậm theo quy định của Luật quản lý thuế; phối hợp với bộ phận thanh tra, kiểm tra thu thập, xác minh thông tin để chuẩn bị các bước cưỡng chế nợ thuế. Hàng quý sẽ lập danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn và cố tình dây dưa nợ đọng để đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng; báo cáo HĐND, UBND tỉnh, huyện, thành phố cho ý kiến chỉ đạo. Ngoài ra, cán bộ quản lý nợ thuế sẽ củng cố đầy đủ hồ sơ để chủ động báo cáo lãnh đạo phụ trách, nhằm phản ánh kịp thời những vướng mắc để cấp trên có biện pháp xử lý.

 

Đặc biệt, ngành thuế phối hợp với Ngân hàng, Kho bạc và các tổ chức tín dụng thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng hình thức trích tiền từ tài khoản. Đồng thời, yêu cầu các Ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản tiền gửi của người nợ thuế để ban hành quyết định cưỡng chế đối với một tài khoản, hoặc nhiều tài khoản. Cơ quan thuế hàng tháng sẽ thông báo số đơn vị nợ thuế, tiền nợ thuế của các doanh nghiệp để Ngân hàng biết tình hình tài chính của doanh  nghiệp khi cho vay.

 

Đối với các doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ thuế, ngành thuế sẽ làm đầy đủ các bước để khi các doanh nghiệp phát sinh tiền trên tài khoản có thể yêu cầu Ngân hàng trích ngay tài khoản, thực hiện quyết định cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định tại Luật quản lý thuế, Luật ngân sách hiện hành...

 

Với các giải pháp ngành thuế đưa ra và có sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng, Kho bạc theo Điều 72 Luật quản lý thuế thì việc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế chắc chắn sẽ giảm nợ ở mức tối đa theo yêu cầu của cấp trên; đồng thời góp phần không nhỏ trong việc tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu, đẹp.

 

Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa