Chủ nhật, 17/11/2024, 10:34[GMT+7]

Hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi

Thứ 2, 26/06/2017 | 09:00:09
1,353 lượt xem
Thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng chuỗi liên kết lúa, gạo sạch hướng tới xây dựng thương hiệu gạo. Để liên kết được bền vững, hiệu quả, doanh nghiệp đã cam kết thu mua thóc của nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Mô hình liên kết giữa Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) với HTX SXKD DVNN xã Thái Thịnh (Thái Thụy) là một điển hình.

Nông dân xã Thái Thịnh (Thái Thụy) thu hoạch lúa xuân.

Là một trong những hộ tham gia liên kết sản xuất lúa hàng hóa với ThaiBinh Seed, ông Phạm Văn Vệ, thôn Phúc Thịnh bớt đi nhiều mối lo trong sản xuất nông nghiệp. Gieo cấy 3 mẫu ruộng, trước đây, mỗi vụ thu hoạch ông Vệ rất khó khăn khi tìm địa điểm phơi thóc, đơn cử như ở vụ xuân này, thời tiết mưa nắng đan xen khi thu hoạch khiến nhiều nông dân đứng ngồi không yên trong việc phơi, bảo quản thóc. Còn hiện nay, theo hợp đồng đã ký với ThaiBinh Seed, khi chuẩn bị thu hoạch, Công ty đặt lịch hẹn ngày về thu mua, HTX thông báo tới thành viên, 3 mẫu ruộng của gia đình ông chỉ thu hoạch xong trong ngày và được mua tươi ngay tại ruộng, không phải vận chuyển về nhà. Bên cạnh đó, ông Vệ cũng như nhiều nông dân tham gia liên kết không phải lo về giống bởi ThaiBinh Seed có chính sách cung ứng giống trả chậm. Đầu ra ổn định, chi phí đầu vào giảm, so với canh tác theo phương thức cũ ông có lợi nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thái Thịnh cho biết: HTX tham gia liên kết sản xuất lúa hàng hóa với ThaiBinh Seed từ năm 2015. Để xây dựng sản xuất theo chuỗi, HTX đã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ thành viên tham gia. Công ty cử cán bộ về tư vấn, cam kết bao tiêu sản phẩm, cung ứng thóc giống trả chậm. Các hộ thành viên tham gia chăm sóc lúa theo đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật do ThaiBinh Seed cử về cùng bám đồng, lội ruộng với nông dân. Như vậy, nông dân có ruộng yên tâm đầu tư vì sản phẩm đã có đầu ra, giá trị sản phẩm lại cao hơn so với giá thị trường, bình quân mỗi sào canh tác các hộ thành viên tham gia liên kết thu lãi cao hơn so với cấy lúa thông thường khoảng 1,5 lần. Vụ xuân vừa qua, Thái Thịnh liên kết với ThaiBinh Seed sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 20ha, sản lượng thu mua 95 tấn. Các giống lúa được Công ty lựa chọn để liên kết sản xuất đều là những giống có năng suất, chất lượng tốt, đặc biệt là khả năng kháng sâu bệnh cao, nhờ đó, trong quá trình canh tác nông dân ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đem lại sản phẩm gạo thực sự sạch. Vụ mùa này, theo đặt hàng của ThaiBinh Seed, diện tích liên kết của địa phương sẽ mở rộng lên 50ha.

Bên cạnh đó, ThaiBinh Seed còn mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân, cử cán bộ xuống trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Công ty xây dựng quy trình sản xuất lúa sạch theo từng giai đoạn bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đạt năng suất, chất lượng cao. Khi thu hoạch lúa, nông dân tổ chức gặt bằng máy gặt đập liên hợp, vừa giảm được chi phí gặt thủ công vừa hạn chế được việc rơi vãi thóc khi thu hoạch, sản lượng cũng cao hơn.

Doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng sản phẩm, nông dân được trang bị khoa học kỹ thuật và tăng thu nhập, HTX thuận lợi trong điều hành, quản lý, liên kết sản xuất theo chuỗi là hướng đi hiệu quả, bền vững trong phát triển nông nghiệp. Bởi vậy, để phát triển các mô hình này, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích tích tụ ruộng đất để doanh nghiệp có cơ hội đầu tư sản xuất quy mô lớn.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân giúp chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và hạn chế tình trạng ép giá của thương lái. Với mô hình sản xuất này, nông dân hoàn toàn yên tâm về nguồn giống bảo đảm chất lượng.


Lưu Ngần