Chủ nhật, 17/11/2024, 12:25[GMT+7]

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ở một số huyện

Thứ 6, 04/08/2017 | 17:28:35
1,371 lượt xem
Sáng ngày 4/8, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ở các huyện: Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Vũ Thư. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra lúa mùa tại xã Thống Nhất (Hưng Hà).

Vụ mùa năm 2017, toàn tỉnh gieo cấy gần 80.000ha. Hiện nay, lúa mùa đang sinh trưởng và phát triển tốt, trà lúa mùa sớm ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái; trà lúa đại trà đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. 

Qua kiểm tra thực tế đồng ruộng tại các xã: Đông La và Đô Lương (Đông Hưng),  Quỳnh Hưng và Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ), Thống Nhất và Văn Lang (Hưng Hà), xã Xuân Hòa và Song Lãng (Vũ Thư) cho thấy bệnh lùn sọc đen và rầy lưng trắng phát sinh với mật độ cao bất thường so với cùng kỳ nhiều năm, cá biệt có diện tích lên tới hàng vạn con/m2. Ngoài ra, trên đồng ruộng còn xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại khác như: sâu đục thân, sâu cuốn lá...

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra lúa mùa tại xã Văn Lang (Hưng Hà).

Để bảo vệ an toàn lúa mùa, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tạm dừng các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại; tích cực huy động nông dân và cán bộ kỹ thuật kiểm tra những diện tích lúa còn đang trong thời kỳ đẻ nhánh và diện tích lúa gieo thẳng, kịp thời phát hiện các cây lúa có biểu hiện bất thường về sinh trưởng để nhổ bỏ và tiêu hủy; đôn đốc, khuyến cáo nông dân khẩn trương phun thuốc phòng trừ rầy để ngăn chặn kịp thời nguồn môi giới lây truyền virut gây bệnh lùn sọc đen; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn về thời gian, kỹ thuật phòng trừ và các loại thuốc đặc hiệu để nhân dân biết và chủ động thực hiện, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra; địa phương nào không chỉ đạo quyết liệt để các đối tượng sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa mùa thì chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc đặc hiệu và kỹ thuật phòng trừ bảo đảm hiệu quả cao; đồng thời phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) kiểm tra thị trường thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết không để thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc kém phẩm chất lưu hành trên thị trường ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác phòng trừ sâu bệnh của nông dân.

Minh Hương