Thứ 7, 16/11/2024, 23:38[GMT+7]

Trăn trở mùa tôm Tiền Hải

Thứ 3, 14/06/2011 | 15:51:16
3,199 lượt xem
Đã 2 tháng, Tiền Hải bước vào vụ nuôi tôm mới. Con tôm chẳng những tạo công ăn việc làm cho nông dân mà còn khiến nhiều hộ dân trở thành triệu phú, tỷ phú. Tuy nhiên, mùa tôm năm nay, do chi phí đầu vào tăng, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều hộ dân lao đao.

Ảnh: Thành Tâm

Năm 2010, trong tổng giá trị sản xuất 2.839 tỷ đồng của Tiền Hải, kinh tế biển chiếm tỷ lệ 15%, đạt 423,49 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 4.000 lao động. Đối với kinh tế biển, Tiền Hải coi trọng việc nuôi trồng thủy hải sản, trong đó xác định tôm sú là đối tượng chủ đạo.

 

Năm 2011, Tiền Hải có 2.700 hộ nuôi tôm sú (giống P15)  trên diện tích 2.046 ha, thả 140 triệu con giống và dự kiến đạt sản lượng 800 tấn. Chúng tôi về  Đông Minh, một xã  mạnh trong nuôi tôm sú, với diện tích nuôi thả 184 ha, năng suất tôm sú mỗi năm đạt bình quân hơn 970kg/ha, sản lượng  100 tấn/năm. Chị Phạm Thị Chanh, thôn Thanh Lâm cho biết, vụ này gia đình nuôi thả 6 vạn tôm sú trên diện tích 1 sào. Do lạm phát, giá cả từ tôm giống đến các chi phí khác như thức ăn chăn nuôi, điện, hóa chất, nhân công... đều tăng cao.

 

Ngay từ khi cải tạo ao nuôi chi phí đã tăng, nếu tính trên diện tích 1 sào nuôi thả 1 vạn tôm đầu tư khoảng gần 1 triệu, tăng hơn 20% so với vụ trước. Nhiều hộ dân do không chạy được vốn đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng vì chi phí cho tôm thẻ chân trắng thấp hơn, thời vụ chỉ kéo dài 2 tháng. Hiệu quả nuôi tôm sú, mọi người dân đều biết. Thời gian nuôi 4 tháng, tỷ lệ tôm “đậu” khoảng 50%, tôm đạt 30 con/kg cho thu hoạch 1,7 tạ, theo giá thị trường 150.000 đ/kg thì hộ nuôi có doanh thu trên 25 triệu đồng/ sào.  Con số này cho thấy hiệu quả nuôi tôm không những hơn làm muối, trồng lúa mà còn là con số của nhiều ngành, nghề khác mơ ước. Mặc dù vậy, nhiều hộ dân Tiền Hải vẫn chuyển sang nuôi ngao, bởi nuôi tôm sú rất vất vả.

 

Một cán bộ xã Đông Minh có đầm nuôi tôm sú đã ví von, nuôi tôm sú như chăm con trẻ, ngày đêm sớm tối phải “lọ mọ”. 10- 15 ngày đầu, tôm sú giống dùng thức ăn bán trên thị trường (chủ yếu là thức ăn công nghiệp như Cipi, Sinh Long, Hải Long, KP.90) trộn lẫn lòng đỏ trứng gà. Từ tháng thứ hai, tôm ăn gấp 3 lần, ăn thêm các loại cá tạp tự nhiên. Tôm ăn ít nhưng ăn cả ngày và đêm, thức ăn cho tôm không được để dư thừa, do vậy người nuôi phải đầu tư nhiều công sức. Vất vả là vậy, thêm vào đó tôm còn luôn bị dịch bệnh đe dọa. Có nhiều loại bệnh, nhưng “hung thần” của tôm sú chủ yếu là bệnh đốm trắng, teo gan và  đầu vàng. Khi tôm  mắc bệnh này, không có thuốc dặc trị, cách duy nhất là tiêu hủy toàn ao nuôi, xử lý vệ sinh môi trường nuôi và hiếm hoi có hộ kịp tìm mua tôm “đếm” (tôm nuôi ở các ao không nhiễm bệnh, có thể đếm được) để tiếp tục nuôi từ đầu trong thời gian mùa vụ còn lại. Điều đó đồng nghĩa với việc nông dân bị mất trắng.

 

Trong khi chúng tôi đang thực hiện bài viết thì dịch đốm trắng ở tôm cũng đang hoành hành tại Tiền Hải. Ngày 5/5 phát hiện bệnh, đến  29/5 dịch đốm trắng ở tôm sú phát sinh trên diện tích nuôi 21,22 ha của 162 hộ thuộc bốn xã Đông Minh, Nam Cường, Nam Thắng và Đông Hải với số lượng 5,165 triệu con. Ngay sau khi phát hiện dịch, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã tích cực vào cuộc. Tỉnh  hỗ trợ 3.400 kg chlorine  xử lý ao nuôi bị nhiễm, huyện cử các cán bộ thú y, phòng nông nghiệp thường xuyên bám sát, chỉ đạo xử lý tại các ao, vùng dịch. Mặc dù vậy, đến ngày 10/6 số lượng tôm bị nhiễm bệnh trong toàn huyện vẫn lên tới 9,95 triệu con trên diện tích 53,7 ha, thiệt hại ước tính khoảng trên 15% trong vùng chuyển đổi.

 

Theo những chuyên gia có kinh nghiệm, nguyên nhân chính là tôm giống “ủ bệnh” gặp điều kiện thuận lợi ( thời tiết diễn biến bất lợi, nắng nóng kéo dài, biên độ nhiêt ngày và đêm lớn...) dịch phát ra. Mùa tôm 2010, Tiền Hải xác định rõ một số tồn tại trong nuôi tôm sú như: môi trường nước chưa tốt; mật độ  thả không đúng quy trình kỹ thuật; công tác thuỷ lợi cho vùng nuôi tập trung chưa đồng bộ; việc quản lý môi trường ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn; nhiều hộ chưa tập trung đầu tư mua con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, khoáng chất có chất lượng cao để phục vụ cho sản xuất, công tác kiểm dịch con giống và quản lý đầu vào chưa  triệt để nên ảnh hưởng đến chất lượng con giống... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, đến nay mới khắc phục được một phần.

 

Nhiều hộ nuôi tâm sự, hàng năm, mỗi vụ tôm đến, bà con nuôi tôm lại trăn trở, lúng túng không biết nên mua tôm giống của cơ sở nào, ở đâu để có con giống chất lượng tốt, góp phần mang lại thắng lợi cho vụ nuôi. Một cán bộ thú y tỉnh cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin chính xác có 16 thùng tôm giống vận chuyển trái phép từ sân bay Nội Bài về, các ngành chức năng phối kết hợp vây bắt, nhưng lượng tôm này vẫn xâm nhập được vào tỉnh qua “đường ngang, ngõ tắt”. Một số người có tâm lý ham rẻ ( thấp hơn 5-10đ/con) nên mua phải giống “rởm”, lại chủ quan nên không đem tôm giống đi kiểm dịch trước khi thả nuôi. Chưa có ai dám bảo đảm rằng, vào những vụ tiếp theo con tôm sẽ không “trở chứng” nếu như công tác quy hoạch, kiểm soát chất lượng giống, thức ăn, phòng dịch... chậm đổi mới.

 

Đúng là còn nhiều điều cần phải bàn, phải giải cho con tôm, song các cơ quan chức năng, nhất là ngành thủy sản, thú y cần sớm vào cuộc quyết liệt hơn, cùng với đó người nuôi tôm cũng nên biết cách tự “bảo vệ” mình. Chỉ có như vậy, người nuôi tôm sú mới hết trăn trở, thấp thỏm trước những bấp bênh về giá thức ăn, chất lượng con giống, giá thành tôm trên thị trường cũng như về dịch bệnh.

 

                                                                                                           Phan Anh

 

 

  • Từ khóa