Thứ 7, 16/11/2024, 23:25[GMT+7]

Kịp thời khống chế dịch tai xanh trên đàn lợn ở Đông Hưng

Thứ 2, 20/06/2011 | 09:00:52
1,512 lượt xem
Tháng 4 vừa qua, địa bàn huyện Đông Hưng, xuất hiện các ca bệnh trên đàn lợn (triệu trứng da đỏ, sốt cao, kém ăn) của 47 hộ chăn nuôi thuộc 5 xã. Đặc biệt, các ca bệnh của hai xã Đông Tân và Đông Các đều dương tính với bệnh tai xanh, nhưng chỉ sau gần một tháng điều trị các xã đã nhanh chóng dập tắt được dịch bệnh với kết quả cao. Trong tổng số 347 con lợn ốm đã có 322 con được điều trị khỏi, chỉ có 25 con chết phải xử lý. Hiện tại, trên địa bàn huyện không có địa phương nào

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hưng cho biết: ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng và chống dịch tai xanh trên địa bàn toàn huyện theo đúng quy định đồng thời phối hợp với cấp trên hỗ trợ các điều kiện chống dịch và lấy mẫu xét nghiệm để công bố dịch tại các địa phương nhằm khoanh vùng và dập dịch hiệu quả. Tích cực chỉ đạo các xã tuyên truyền vận động người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn hiện có đồng thời tiêm phòng bổ sung 4 bệnh đỏ cho đàn lợn nuôi mới, tái đàn.

 

Khi chưa công bố dịch tai xanh, UBND huyện Đông Hưng đã chỉ đạo 5 xã có lợn ốm thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch và có những biện pháp quyết liệt hơn đối với những xã có dịch bệnh phức tạp. Tiến hành kiện toàn và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân bình tĩnh, chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh.

 

Ngoài số hóa chất được tỉnh hỗ trợ, UBND huyện đã hỗ trợ cho mỗi xã 3.000kg vôi bột. Bên cạnh đó, các xã còn mua và vận động người chăn nuôi tự mua hóa chất để bảo đảm tiêu độc khử trùng ở khu vực chăn nuôi 1lần/ngày và 2ngày/lần ở khu vực công cộng. Sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, dịch bệnh trên đàn lợn ở Đông Hưng đã được khống chế. Tỷ lệ điều trị khỏi cao, lợn hồi phục nhanh, dịch bệnh không lây lan ra các xã khác.

 

Thành công trong lần dập dịch này là kết quả của sự vào cuộc tích cực của các hộ chăn nuôi. Điển hình như xã Đông Phương - nơi xuất hiện dịch lợn ốm đầu tiên của huyện từ ngày 25/4. Toàn xã có 3 hộ thuộc thôn Bình Minh có 16 con bị ốm trong đó có 2 nái, 4 lợn thịt và 10 lợn con. Ngay khi lợn có biểu hiện ốm các hộ chăn nuôi đã nhanh chóng báo với xã.

 

Do phát hiện và chữa trị kịp thời, lại được chăm sóc an toàn đúng cách nên đến ngày 9/5 toàn bộ số lợn ốm của xã đã khỏi, không có con lợn nào bị chết; đồng thời khống chế được dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Hay như ở xã Đông Các, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ 1/5 tại ở 5 hộ gia đình với 25 con lợn ốm các chủ hộ đã tới ngay cơ quan chức năng thông báo. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn từ huyện đến xã đã khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và tích cực điều trị cho lợn ốm.

 

So với các xã khác, tình hình dịch bệnh ở Đông Các phức tạp hơn, số lợn ốm tăng lên tới 32 con, các mẫu bệnh phẩm đều kết luận dương tính với vi rút tai xanh. Trước thực trạng này, ngoài số vôi bột, hóa chất được hỗ trợ, xã Đông Các đã mua thêm 2.000 kg vôi bột và ra quyết định thành lập 3 chốt kiểm dịch để kiểm tra, ngăn chặn và tạm dừng vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra ngoài vùng dịch. Tính đến ngày 11/5, trường hợp lợn ốm cuối cùng đã khỏi bệnh, số lợn chết phải xử lý là 3 con nái và dịch bệnh không lây lan ra các hộ chăn nuôi khác.

 

Cùng với hai xã trên, các xã khác có lợn ốm cũng nhanh chóng phục hồi như Liên Giang sau 13 ngày, Đông Kinh sau 9 ngày và Đông Tân sau 19 ngày. Cho đến nay, hai xã cuối cùng là Đông Các và Đông Tân đàn lợn đã khỏi bệnh qua 21 ngày điều trị. Kết quả này có thể khẳng định công tác phòng chống dịch tai xanh trên đàn lợn ở Đông Hưng đã thành công lớn.

 

Để đạt hiệu quả cao hơn nữa, huyện Đông Hưng mong tỉnh tiếp tục hỗ trợ hóa chất, vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm và các điều kiện nhân lực, vật lực khác để phòng, chống dịch trên địa bàn toàn huyện. Tiếp tục mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học cho người chăn nuôi, đặc biệt là kỹ thuật phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm như cúm, lở mồm long móng, tai xanh ở lợn nhằm góp phần bảo vệ và phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn huyện.   

                                                    Thu Thủy

  • Từ khóa