Chủ nhật, 17/11/2024, 12:29[GMT+7]

Hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ 4, 13/09/2017 | 09:13:28
2,061 lượt xem
Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (năm 2007), ký kết 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đang tiếp tục đàm phán 5 FTA và ký kết 66 hiệp định thương mại với các nước và khu vực trên thế giới. Hòa chung với xu thế hội nhập của cả nước, Thái Bình đã sớm chủ động triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các doanh nghiệp may trang phục trong tỉnh đều nhập các thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất.

Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng ban thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh khẳng định: Những năm qua, Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh về công tác hội nhập trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... Thường xuyên nắm bắt tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh và cập nhật tình hình trong và ngoài nước để tuyên truyền, phổ biến, định hướng cho công tác điều hành của tỉnh cũng như của doanh nghiệp và người dân. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo hội nhập kinh tế quốc tế chuyên sâu ở các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. 

Những việc làm đó đã góp phần đưa kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực, trong đó công nghiệp chiếm gần 30%, dịch vụ chiếm gần 36%. Nhiều mặt công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh đạt kết quả tích cực. Điển hình như công tác cải cách thủ tục hành chính đã được doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục rà soát, đặc biệt trung tâm hành chính công tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo thuận lợi đột phá cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao tính minh bạch.

Cũng từ hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh thấy rõ được vai trò, tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới công nghệ và xây dựng thương hiệu sản phẩm để phù hợp với công ước quốc tế, tập quán tiêu dùng ở thị trường các nước. Từ đó, các doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt thời cơ, đưa ra chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả. 

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan cho rằng: Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội đến với doanh nghiệp rất nhiều nhưng ngược lại thách thức cũng không nhỏ bởi việc cạnh tranh không chỉ còn dừng ở phạm vi quốc gia mà đã vươn ra phạm vi toàn cầu. Các doanh nghiệp đã ý thức được việc sản xuất ra để cho thế giới dùng chứ không phải chỉ để cho Việt Nam dùng và phải sản xuất ra cái thị trường cần để đáp ứng chứ không phải những thứ thị trường không cần. Đặc biệt, cũng nhờ có hội nhập và việc ký kết các hiệp định thương mại, các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung, Damsan nói riêng đã được hưởng thành quả của các cuộc cách mạng khoa học trên thế giới. Các thiết bị, công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến đã được nhập về cho năng suất cao, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó người lao động chỉ việc bấm nút để vận hành máy móc mà không phải vất vả như trước đây. Đây là một trong những điểm nổi trội cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cũng như trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Dây chuyền sản xuất nồi cơm điện của Công ty TNHH Điện cơ AiDi.

Theo ông Vũ Ngọc Khiếu, Thái Bình là tỉnh có xuất phát điểm thấp, chủ yếu đi lên từ sản xuất nông nghiệp nên bên cạnh những mặt đạt được thì nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế. Trong công tác cải cách hành chính mặc dù đã đạt được kết quả nhất định song một số nơi có lúc còn chậm nên ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhận thức của một số doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế cũng còn nhiều yếu kém nên việc thực hiện chiến lược sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp chưa đạt được yêu cầu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thời gian tới, Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền cho cán bộ quản lý, cộng đồng doanh nghiệp về các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Từ đó giúp các nhà quản lý có đầy đủ nhận thức hơn để đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng có điều kiện nghiên cứu sâu hơn những thuận lợi, thời cơ, thách thức khi tham gia vào sân chơi hội nhập. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực để đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp nắm sâu hơn các thông lệ quốc tế, đề ra định hướng thực hiện.

Thu Thủy