Chủ nhật, 17/11/2024, 15:20[GMT+7]

Mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp

Thứ 6, 13/10/2017 | 09:19:14
1,024 lượt xem
Năm 2007, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức: Câu lạc bộ giám đốc doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp trẻ. Sự ra đời của Hiệp hội đã đáp ứng được nguyện vọng của các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là trong việc kết nối giữa lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành với cộng đồng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp không ngừng đổi mới dây chuyền, công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Ông Trần Quốc Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết:  Những năm qua, Hiệp hội thường xuyên phối hợp với các ngành tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh tới cộng đồng doanh nghiệp để triển khai thực hiện. Hiệp hội đã phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thường xuyên tổ chức hội nghị gặp mặt đối thoại, duy trì chương trình cà phê doanh nhân để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Thông qua các hội thành viên, Hiệp hội còn nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của hội viên để đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các đồng chí trong Ban Thường vụ Hiệp hội thường xuyên tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục pháp lý trong việc tiếp cận đất đai, thuế, hải quan, môi trường, tranh chấp pháp lý, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu tới năm 2020 Thái Bình có trên 9.000 doanh nghiệp, với vai trò trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các doanh nhân, Hiệp hội đã phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức nhiều chương trình khởi nghiệp trong thanh niên để tư vấn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cơ chế hỗ trợ của tỉnh, trọng tâm là thông tin về các lĩnh vực thủ tục pháp lý, vốn, thị trường, khoa học kỹ thuật, công nghệ..., tạo dựng niềm tin khi quyết định khởi nghiệp.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các doanh nghiệp ở Thái Bình xuất khẩu 100% sang thị trường nước ngoài.

Ông Trần Quốc Khoa cho biết thêm: Mục tiêu hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là luôn hướng về hội viên, vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, thật sự là chỗ dựa tin cậy của hội viên. Do đó, từ chỗ chỉ có 187 hội viên của 3 tổ chức khi thành lập đến nay Hiệp hội đã thu hút được 1.390 doanh nghiệp tham gia, chiếm 26% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, kể từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam, hàng năm, Hiệp hội đều tổ chức kỷ niệm sự kiện này nhằm tuyên truyền, quảng bá về vai trò, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân trong đời sống kinh tế - xã hội đồng thời động viên cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước.

Chính những hoạt động trên đã kịp thời cổ vũ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đạt doanh thu ngày càng cao, hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 32.280 tỷ đồng, tăng 9,98%.



Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương

Tôi đánh giá rất cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc phát triển doanh nghiệp và đặc biệt là đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với vai trò là ngôi nhà chung, Hiệp hội đã phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành Công Thương thực hiện tốt việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và của tỉnh cũng như định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó giúp các doanh nghiệp luôn đổi mới về công nghệ, thiết bị, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là nguồn thu ngân sách.

Ông Tô Xuân Cảnh, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh

Qua tìm hiểu thị trường thế giới, Hảo Cảnh nhận thấy các nước đòi hỏi ngày càng khắt khe không chỉ về mẫu mã mà còn về chất lượng sản phẩm. Vì thế, mặc dù đã có hai nhà máy sứ nhưng năm 2016 Hảo Cảnh vẫn quyết định đầu tư một nhà máy mới có dây chuyền công nghệ cao, hiện đại nhất Đông Nam Á với nguồn vốn 300 tỷ đồng. Từ đó, sản phẩm của Hảo Cảnh đã được khách hàng trong nước cũng như khách hàng trên thế giới chủ động đến đặt hàng. Đặc biệt hơn, sản phẩm sứ ở dây chuyền mới không chỉ đem lại giá trị lớn mà còn cạnh tranh được với sản phẩm của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Đó chính là hướng đi trước một bước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 của Hảo Cảnh. Để có được kết quả đó, thời gian qua, tỉnh cũng như Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã hỗ trợ, động viên kịp thời cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đi các nước. Do đó, đến nay sản lượng hàng xuất khẩu của Hảo Cảnh đã chiếm tới 60% tổng hàng hóa.

Bà Tạ Thị Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân

Tôi rất vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội đã luôn đồng hành cùng Công ty triển khai các chương trình hành động phục vụ công tác an sinh xã hội cũng như triển khai một số lớp tập huấn, hội nghị hướng dẫn về pháp luật trong quá trình kinh doanh, đồng thời cũng liên kết cùng Công ty triển khai các chương trình xã hội hóa trong mỗi dịp tết đến xuân về. Song song với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã định hướng cho doanh nghiệp những bước tiến để triển khai, hội nhập cùng quốc tế.


Thu Thủy