Thứ 7, 16/11/2024, 22:43[GMT+7]

Chuyện làm giàu của nông dân Tân Lập

Thứ 6, 08/07/2011 | 08:32:41
3,969 lượt xem
Cùng anh Mạnh - Chủ tịch Hội nông dân xã, chúng tôi có đến thăm những vườn cây cảnh giá trị tiền tỷ ở Tân Lập (Vũ Thư). Chỉ tay vào những ngôi biệt thự suốt dọc đường, anh cho biết: Chỉ vài năm nay, toàn xã xây dựng chừng 50 biệt thự, nhà cao tầng trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên và có 20 ô tô đời mới. Chủ nhân của nó là những nông dân đổi đời nhờ cây cảnh. Từ chân đất đến chân giày, từ dong trâu cầy ruộng đến lái ô tô, giấc mơ đang trở thành hiện thực hàng ngày ở nơi đây.

Qua tìm hiểu được biết nghề kinh doanh cây cảnh ở Tân Lập, giá đỉnh cao là cây Sanh, dáng như cây đa làng, bám đá, thả nước, anh Oai mua 200 triệu đồng, sau 3 năm, anh bán cho ông Trần Trọng Kỳ (xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành, Hải Dương) giá 1,6 tỷ đồng. Anh Oai trước đây làm nghề buôn hoa hoè, 5 năm nay chuyển sang kinh doanh cây cảnh, nhờ cây mà mua được ô tô, xây nhà đẹp. Hiện vườn cây của anh Oai có tổng giá trị khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên kỷ lục đó nay đã nhường cho cây Sanh của anh Sắc (thôn Trà Khê), khách trả 3 - 4 tỷ đồng, chưa được giá nên anh chưa bán.

 

Câu chuyện của chúng tôi với bác Trần Xuân Yên, Chi hội trưởng Chi hội sinh vật cảnh thôn Trà Khê ngày càng mặn mà, say sưa. Bác Yên cho biết: Chi hội có 120 hội viên, 85% có vườn cây đáng giá vài, ba tỷ đồng. Trong đó, vườn của anh Thôn, anh Sắc, anh Đào, anh Khởi, anh Nạp, bác Yên không dưới 5 tỷ đồng.

 

Đưa chúng tôi đi xem một cây sanh cưa hết cành phủ kín lưới nilon đen trước sân nhà, bác cho biết: Cây này, có khách đã trả 1,5 tỷ nhưng chưa đến giá bán. Bác tâm sự: trước đây nhờ bán cây mà gia đình nuôi được con học Đại học Y. Nay các con đều trưởng thành, bác có điều kiện đầu tư chiều sâu, giữ lại trong vườn lâu hơn những cây đẹp, cây quý để ngày ngày chăm chút, uốn nắn, sửa sang dáng thế.

 

Một trong những người có duyên kinh doanh cây đó là anh Thưởng (Phó bí thư Đảng ủy xã). Có lần, đi cùng chúng tôi mấy tiếng đồng hồ, qua điện thoại, anh đã bán trên chục triệu đồng vài cây phôi. Vườn nhà anh có 20 chậu cây giá từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/cây. Anh cho biết từ tết đến nay anh bán được 150 cây, giá 8-10 triệu đồng/cây. 

 

Chúng tôi đến thăm bác Trần Văn Thi, bí thư chi bộ, chi hội trưởng chi hội sinh vật cảnh thôn Tăng Bổng. Bác đang cùng thợ phun thuốc trừ sâu cuốn lá cho cây. Vui vẻ ngơi tay tiếp chuyện chúng tôi, bác Thi cho biết:

 

Trong vòng 2 ngày nay, hội viên trong thôn bán cây thu khoảng 4 tỷ đồng. Năm 2006, gia đình bác bán 2 cây cảnh giá 350 triệu đồng, đủ để bác xây căn nhà khang trang này. Con trai bác là Phó Chủ tịch UBND xã mới mua ô tô 700 triệu đồng cũng bằng tiền bán cây. Một số hộ trong thôn vừa chuyển đổi cây trồng, vừa chuyển đổi vật nuôi như bác Vũ Đình Nga nuôi nhím, bác Tưởng nuôi chim cảnh... Nghề làm cây, chơi cây cũng lắm công phu. Chọn mua được cây phôi giá phải chăng đưa về nhà, có đội thợ chuyên thiết kế cây bám đá nghệ thuật, nhận hợp đồng khoán gọn thay chậu và đưa cây từ vườn lên bể, chậu. Công của những thợ kỹ thuật này khá cao, vài trăm ngàn đồng/ngày. Đi kèm với nghề mua bán cây không thể thiếu đội vận chuyển của anh Thiện (thôn Trà Khê) gồm 10 người có cả xe cẩu, bốc tời chậu cây nặng hàng tấn lên ô tô, kê kích tại nhà chủ.

 

Tân Lập có trên 20 cơ sở sản xuất chậu hoa, mỗi cơ sở thu hút ít nhất 5 lao động trở lên. Đông khách nhất là cơ sở của bác Nguyễn Đức Hậu, nhiều thời điểm, công nhân làm đến 9  10 giờ tối mới nghỉ. Cũng như cô gái có y phục xứng với nhan sắc, cây đẹp, đương nhiên phải đặt trong bể, chậu đẹp.

 

Khách về Tân Lập mua cây chủ yếu là người tỉnh ngoài, không thể bỏ qua công đoạn đặt mua bể, chậu. Ba anh em bác, cơ ngơi kề nhau, mỗi nhà một công đoạn, ngổn ngang ang, chậu đủ loại. Mỗi tháng 3 gia đình tiêu thụ vài chục tấn xi măng, 15-20 m3 cát đá. Chậu, ang, bể được đổ từ khuôn ghép thủ công nên kỹ lưỡng, độ bền cao, đương nhiên phải đắt tiền hơn chậu đổ khuôn đúc sẵn, có cái bán tới chục triệu đồng. Những cây có dáng, thế đã hoàn chỉnh đều kén loại chậu tốt này để gắn bó vĩnh viễn cả đời cây.

 

Khi cuộc sống vươn tới tiêu chí ăn ngon, mặc đẹp, chơi cây là nhu cầu của nhiều gia đình “phú quý sinh lễ nghĩa”, các công sở, trường học…Đó là thú vui thanh tao, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Tân Lập có 178 ha vườn (trong đó 85 ha chuyển đổi từ đất cấy lúa năng suất thấp). 70% diện tích trồng cây cảnh, 30% trồng hoa và rau màu.

 

Toàn xã có tổng diện tích đất cấy lúa 128 ha đang tiếp tục chuyển đổi sang các mô hình kinh tế có lợi hiệu quả hơn. Nơi đây, người có vốn thì mua bán cây nhiều tiền, người ít vốn thì trồng cây phôi, mua bán cây nhỏ. Cây cảnh mọi miền luân chuyển về Tân Lập, qua bàn tay của những thợ cây, những nghệ nhân lại tỏa đi các nơi. Cây tiền triệu lên đời thành cây vài chục, vài trăm triệu. Cây vài trăm thành cây tiền tỷ. Nghe thì đơn giản nhưng phải có kiến thức khoa học kỹ thuật, có con mắt nghệ thuật, có tấm lòng thoáng rộng giao tiếp với bạn bè cùng sở thích mọi miền.

 

Điều thú vị trong làng cây cảnh đó là càng đông người bán, người mua càng tạo được thị trường giao lưu rộng lớn. Quan hệ bạn hàng chơi cây là quan hệ đối tác, không có sự cạnh tranh như các loại hình buôn bán khác…ở Tân lập, Cấp ủy, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội nông dân, hội làm vườn, hội sinh vật cảnh phối hợp hoạt động, hỗ trợ hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau giống, vốn. 6 tháng đầu năm 2011, doanh số bán cây cảnh trong xã hàng chục tỷ đồng. Trong tương lai gần, Tân Lập sẽ là địa chỉ du lịch sinh thái, tiếp nối tua tuyến du lịch chùa Keo, Bách Thuận.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa