Thứ 7, 16/11/2024, 22:46[GMT+7]

Thụy Trình Niềm vui được mùa sau dồn điền đổi thửa

Thứ 5, 14/07/2011 | 13:57:07
1,390 lượt xem
Từ trung tuần tháng 6 đến nay, trên các cánh đồng của xã Thụy Trình (Thái Thụy) không khí ngày mùa rộn rã khắp mọi nơi. Nông dân hối hả ra đồng thu hoạch lúa xuân, chuẩn bị làm mùa. Giữa cái nắng oi bức của mùa hè, trên từng gương mặt lấm tấm mồ hôi của người nông dân vẫn luôn thường trực những nụ cười rạng rỡ thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc trước một vụ lúa bội thu.

Cơ giới hóa sản xuất trên đồng ruộng Thụy Trình.

Đây là vụ lúa xuân đầu tiên sau khi Thụy Trình thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng theo quy hoạch nông thôn mới. Tất cả các cánh đồng sau “ cải tổ”, bờ vùng, bờ thửa đắp to rộng, mương máng thông thoáng, không còn bờ đất ngăn cách giữa các ô thửa của từng hộ gia đình, chỉ thấy lúa trải thảm vàng óng, ruộng nào ruộng nấy trĩu bông, nặng hạt.

 

Tại cánh đồng thôn Đông (làng Quảng Nạp) lúc 8h sáng, không khí lao động sản xuất rất khẩn trương. Chỗ này, từng tốp, từng tốp người đang hối hả cắt lúa; chỗ kia hàng chục người đang đứng đợi máy gặt đập liên hợp đến ruộng nhà mình; cạnh đó chiếc máy cày công suất lớn vẫn nhẫn nại làm đất trên những ruộng đã săm sắp nước. Tiếng động cơ máy nỗ giòn dã, tiếng người nói cười gọi nhau í ới vang vọng khắp cánh đồng. Anh Phạm Minh Namon> cho biết: “ Vụ lúa xuân năm nay, 2 vợ chồng tôi cấy 2,1 mẫu, gồm diện tích đất cơ bản và đấu thầu thêm, năng suất bình quân đạt gần 3 tạ/sào.

 

Sau dồn điền đổi thửa ruộng đất tập trung hơn, những diện tích nào máy gặt, máy làm đất có thể xuống được ruộng tôi đều thuê máy làm hết, không chỉ giảm chi phí mà còn tiết kiệm thời gian để cấy lúa mùa cho kịp thời vụ. Nếu cấy lúa cứ được mùa như vụ này, có máy móc hỗ trợ thì nông dân đỡ vất vả hơn rất nhiều”. Chung niềm vui được mùa với anh Namon>, chị Nguyễn Thị Kiên chia sẻ: “Nhà tôi cấy 4,5 sào, có 2 thửa, đăng ký máy gặt một tuần trước, nay mới đến lượt nhà mình. Nếu nhờ nhân công cắt lúa thủ công phải mất 120.000đồng/sào, chưa kể tiền tuốt lúa nhưng thuê máy gặt HTX chỉ thu mỗi sào 90.000 đồng, sau 15 phút có thóc chở về tận nhà”.

 

Anh Nguyễn Đắc Dự, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp cho biết: vụ lúa xuân năm 2011, Thụy Trình gieo cấy  371 ha, trong đó lúa lai chiếm 40%, lúa chất lượng chiếm 30%, còn lại là lúa thuần. Trải qua những khó khăn vất vả đầu vụ, đến nay lúa được mùa lớn ở tất cả các trà, các giống và mọi chân đất. Năng suất ước đạt từ 68 đến 70 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay.

 

Để kịp thời vụ cấy 40% diện tích lúa mùa sớm, ngay từ đầu tháng 6, xã đã phát động nhân dân khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa mùa, gặt đến đâu tiến hành cày lật đất ngay đến đó. Những diện tích gieo mạ thì chủ động gặt sớm khi lúa chín sinh lý. HTX giao cho các thôn tổ chức để bà con đăng ký những diện tích thuê máy gặt, sau đó bố trí mỗi thôn thu hoạch một ngày, ưu tiên gặt những vùng trồng cây vụ đông, nơi liền vùng, tiện đường trước.

 

Từ đầu vụ đến nay, máy gặt vận hành hết công suất, HTX bố trí nhân lực làm thêm cả tối để giúp bà con thu hoạch nhanh gọn lúa xuân. Toàn xã có 4 máy làm đất đa năng, kết hợp  gần 40 máy cày tay. Sáng bà con gặt lúa đến đâu, chiều máy làm đất ngay đến đó, thậm chí có những thửa ruộng máy gặt vừa ra, máy cày đã tới khiến không khí lao động càng thêm tất bật, khẩn trương. Từ đầu tháng 7, nhiều thửa ruộng mạ đã cấy xong. Anh Dự tính toán, nếu cứ đà sản xuất thế này đến  20/7, Thụy Trình sẽ hoàn thành gieo cấy 400 ha diện tích lúa mùa.

 

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã Phạm Đắc Yên, Thụy Trình được mùa bắt nguồn từ cả “ Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, bởi vụ lúa xuân năm nay không chỉ nhờ thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít mà góp công lớn nhất chính là sự đồng thuận, nỗ lực cao của chính những người nông dân. Trước dồn điền đổi thửa, ruộng đất của xã manh mún, bình quân mỗi hộ có 3,6 thửa, nhưng nay mỗi hộ chỉ còn 1,78 thửa. Thửa nào diện tích ít cũng từ 2 đến 3 sào, nhiều tới 5 đến 6 sào, thậm chí tới 1 mẫu, nên tất cả các hộ đều chú trọng hơn khâu chăm sóc,  bà con ai cũng hiểu “ cả nhà có một thửa ruộng nếu không chăm sóc tốt, mất mùa đồng nghĩa với mất tất cả”. Có những vùng, anh em, làng xóm ở cạnh nhau cấy cùng một giống, cùng một trà thuận tiện cho khâu tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh, đưa máy vào làm đất, thu hoạch, giảm sức lao động, giảm chi phí cho người nông dân đồng thời khắc phục tình trạng thiếu lao động.

 

Chưa bao giờ, lúa xuân lại được mùa cả về năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập như năm nay vì thế diện tích gặt và làm đất bằng máy so với những vụ trước tăng lên đáng kể. Nhiều nông dân thực sự vui mừng, phấn khởi bởi đường to ruộng to, máy vào tận ruộng đỡ công nhọc nhằn, vất vả. Tuy nhiên, cũng theo lời anh Yên, thắng lợi của vụ lúa xuân đầu tiên sau dồn điền đổi thửa ở Thụy Trình mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình tích tụ ruộng đất. Bởi hiện tại, ruộng đồng của xã vừa mới được chỉnh trang từ vụ trước, chưa hoàn thiện, bờ vùng dù được đắp to nhưng còn thấp, hầu hết mặt chưa cứng hoá, có chỗ lún sụt nên không phải nơi nào máy cũng xuống được tới tận ruộng.

 

Trong quy hoạch nông thôn mới, xã đã quy vùng sản xuất nhưng hầu hết bà con vẫn chưa thực hiện cấy liền vùng, cùng trà, cùng giống lúa nên rất khó khăn trong khâu đưa cơ giới hoá vào sản xuất.  Vì vậy, việc làm trước hết lúc này của chính quyền địa phương là động viên toàn thể nhân dân khẩn trương, tích cực hơn nữa cho các công việc của vụ mùa với một tinh thần quyết tâm cao, khí thế thi đua sôi nổi nhằm giành thêm một vụ lúa, vụ đông thắng lợi. Sau đó, tiếp tục tổ chức sản xuất theo quy hoạch đã được duyệt, mạnh dạn đưa các giống lúa mới, hoa màu mới, các tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất, tranh thủ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, huy động sức dân quyết tâm xây dựng  thành công mô hình nông thôn mới trong tương lai.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa