Thứ 7, 16/11/2024, 22:40[GMT+7]

Bám sát thực tiễn, đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống

Thứ 5, 21/07/2011 | 10:22:07
1,499 lượt xem
Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, Thái Thụy xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng để xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện đặt ra mục tiêu với những giải pháp thực hiện cụ thể, quyết tâm tạo sự chuyển biến về chất trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.

Kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của dưa lê - cây màu giá trị kinh tế cao ở Thụy Hưng (Thái Thụy).

Đến năm 2015, Thái Thụy phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt 1.365,2 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 4,82%. Trong đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 476,7 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 0,6%, chiếm 45,98% giá trị ngành nông nghiệp; diện tích cấy lúa chất lượng đạt 13.600 ha/25.500ha diện tích cấy lúa cả năm, năng suất lúa bình quân đạt 13 tấn/ha trở lên; diện tích cây màu đạt 9.800 ha, trong đó diện tích trồng cây vụ đông đạt từ 6.000 đến 6.500 ha, hệ số sử dụng đất đạt 2,7 lần, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 80 triệu đồng trở lên.

 

Đồng chí Ngô Thị Mịn, Bí thư Huyện uỷ cho biết: Thái Thụy là vùng ven biển, diện tích đất nhiễm phèn, nhiễm mặn lớn, nếu so với những huyện nội đồng, điều kiện sản xuất khó khăn hơn rất nhiều, để đạt được mục tiêu trên rất cần sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân.

 

Giải pháp trước tiên, huyện sẽ tranh thủ mọi nguồn kinh phí từ ngân sách, hỗ trợ của Nhà nước, vận động nhân dân đóng góp tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất như: nạo vét hệ thống các sông trục, tu bổ, cải tạo xây mới các trạm bơm, cứng hoá hệ thống kênh mương, hệ thống cống đầu kênh. Việc đầu tư được thực hiện theo hướng: ưu tiên cho những công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, những công trình ở những xã tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Trước mắt trong năm 2011, chỉ đạo 100% các xã, thị trấn hoàn thiện việc lập và phê duyệt quy hoạch chung nông thôn mới, quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, sẽ chọn khoảng 10 xã làm trước vào cuối năm nay, phấn đấu đến hết năm 2012 sẽ hoàn thành việc dồn đổi ruộng đất theo quy hoạch nông thôn mới ở tất cả các xã, thị trấn.

 

Cùng với đó, huyện tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, gắn với quy hoạch nông thôn mới. Hàng năm chủ động xây dựng đề án triển khai sớm đến từng hộ nông dân, bố trí sản xuất theo hướng liên hoàn: xuân muộn-mùa sớm-vụ đông rộng, chủ động phòng chống lụt bão, thiên tai bảo đảm an toàn cho sản xuất. Tăng cường hỗ trợ nông dân về vốn, giống, tập huấn KHKT tạo điều kiện để họ chuyển từ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, quy mô lớn. Cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, HTX phối hợp tích cực vận động nhiều hộ cùng sản xuất trên một thửa lớn, cấy cùng một giống ở cùng một thời điểm tạo điều kiện đưa cơ giới hoá vào các khâu: làm đất, gieo sạ và thu hoạch… Khi năng suất cây lúa đã tiến dần đến mức kịch trần, định hướng cho nông dân mở rộng diện tích cấy lúa chất lượng cao và lúa giống để tăng hiệu quả sản xuất.

 

Trong năm nay, Thái Thụy sẽ đầu tư xây dựng từ 3 đến 5 mô hình điểm, quy mô diện tích từ 10 đến 20 ha/mô hình: vụ xuân-vụ mùa cấy giống lúa chất lượng, vụ đông trồng trên đất trước đây chỉ cấy 2 vụ lúa. Người nông dân tham gia sản xuất sẽ được đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề, khi hiệu quả của các mô hình được khẳng định sẽ rút kinh nghiệm nhân rộng ra các xã vào những năm tiếp theo.

 

Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015, tất cả các địa phương có diện tích cấy lúa chất lượng, diện tích gieo sạ, diện tích làm đất,  thu hoạch bằng máy, diện tích cây vụ đông tối thiểu tăng từ 50 đến 100 ha, 30% hộ nông dân sẽ được đào tạo những kiến thức cơ bản trong thâm canh lúa màu … góp phần tạo sự chuyển biến về chất trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn. Mở rộng diện tích cây đậu tương vụ đông ở các xã có chân đất thịt, những xã có cây vụ đông ít. Còn lại quỹ đất vườn, đất cát cao không thuận lợi cho cấy lúa, trồng màu sẽ cải tạo mở rộng diện tích trồng hoè, cây cảnh để tạo thêm thu nhập cho người dân.

 

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ngoài những giải pháp trên, thời gian tới, Thái Thụy sẽ tận dụng mọi nguồn vốn từ các chương trình: thủy lợi, khuyến nông, khuyến ngư, chương trình đưa cơ giới hoá vào sản xuất, phối hợp với ngân hàng rải ngân các nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân đầu tư vào sản xuất.  Củng cố, nâng cao hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp hiện có, phát triển đa dạng các loại hình HTX mới, mở rộng các khâu dịch vụ: cung ứng vốn, giống, vật tư sản xuất, tổ chức  làm đất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống, rau an toàn.

 

Tổ chức hướng dẫn nông dân hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế, các nhà khoa học để được hỗ trợ về vốn, tư vấn kỹ thuật. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ nông sản, ưu tiên những sản phẩm có thế mạnh nhằm giúp nông dân làm giàu trên chính thửa ruộng của mình.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa