Thứ 7, 16/11/2024, 22:48[GMT+7]

Giá điện sẽ khác nhau giữa các mùa và các vùng

Thứ 2, 25/07/2011 | 10:13:08
1,382 lượt xem
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia mới của Chính phủ sẽ tính đến việc giá điện sẽ khác nhau giữa các mùa và các vùng.

Nông thôn sẽ được hưởng giá điện ưu đãi nhiều hơn. Ảnh minh họa: internet.

Giá điện sẽ theo mùa, theo vùng

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 (Quy hoạch điện 7).

Theo đó, giá điện sẽ theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm hài hòa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội và sản xuất, kinh doanh của ngành điện.

Điều chỉnh giá điện theo giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng điện. Nghiên cứu biểu giá điện theo mùa và theo vùng.

Bổ sung biểu giá điện hai thành phần: giá công suất và giá điện năng; trước tiên áp dụng với khách hàng dùng điện lớn.

Giá bán điện sẽ xem xét tới các đặc thù vùng như biên giới, hải đảo, miền núi, nông thôn…với sự trợ giá, trợ thuế cần thiết để giảm cách biệt về hưởng thụ điện.

Giá điện được điều chỉnh đến năm 2020 đạt 8 – 9 Uscents/kWh.

Gần 10 năm nữa, hầu hết nông thôn mới có điện

Quy hoạch nêu rõ, đến năm 2015 có 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện; đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Để thực hiện mục tiêu đó, giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500 nghìn hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377 nghìn hộ dân nông thôn.

Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư cấp điện mới từ lưới quốc gia cho 200.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231.000 hộ dân nông thôn.

Phát triển điện từ năng lượng tái tạo

Quy hoạch xác định mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030.

Quy hoạch cũng ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp: Chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020. Phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bổ của các nguồn nhiên liệu.

Theo Quy hoạch, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được vận hành năm 2020; đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).

Theo vtc.vn

  • Từ khóa