Thứ 7, 16/11/2024, 20:52[GMT+7]

Quỳnh Phụ Chủ động ứng phó với sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ 2, 01/08/2011 | 10:29:32
1,866 lượt xem
Tính đến ngày 20/ 7, huyện Quỳnh Phụ đã cơ bản hoàn thành gieo cấy xong gần 12.000ha lúa mùa, sớm hơn tiến độ chung của tỉnh khoảng 5 ngày. Trong đó, một số xã đã hoàn thành gieo cấy ngay từ giữa tháng 7 như Quỳnh Hoàng, Quỳnh Sơn, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Khê, Quỳnh Mỹ, An Đồng, An Khê…

Nông dân chăm bón lúa mùa. Ảnh: Hiền Trâm

Nhìn chung tiến độ gieo cấy lúa mùa đại trà năm nay ở Quỳnh Phụ diễn ra khá nhanh gọn, thời gian cấy kết thúc sớm hơn các năm trước từ 3- 5 ngày (vụ mùa năm 2010, huyện Quỳnh Phụ kết thúc cấy vào 25/ 7). Duy chỉ có trà lúa mùa cực sớm (khoảng 1.200ha) là cấy muộn hơn trung bình nhiều năm do thời vụ thu hoạch lúa xuân năm nay quá muộn. Nhờ gieo cấy đúng thời vụ, nguồn giống đảm bảo chất lượng, điều tiết nước hợp lý kết hợp với chăm sóc đúng kỹ thuật và diễn biến thời tiết tương đối thuận nên toàn bộ diện tích lúa mùa của Quỳnh Phụ hồi xanh, bén rễ nhanh; tốt đều ở các trà và các giống; không bị ngộ độc hoặc nghẽn rễ.

 

Tính đến hết tháng 7, trà lúa mùa cực sớm đã ở vào giai đoạn cuối đẻ nhánh, chuẩn bị bước sang giai đoạn đứng cái làm đòng; dự kiến trà này sẽ trỗ vào khoảng 10- 15/ 8 dương lịch và cho thu hoạch vào cuối tháng 9 dương lịch để tạo quỹ đất phục vụ gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Trà lúa mùa sớm (khoảng 4.000ha) đang ở vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, một phần diện tích đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh. Trà đại trà đang ở giai đoạn bén rễ, hồi xanh, chuẩn bị chuyển sang giai đoạn đẻ nhánh.

   

Đặc điểm nổi bật trong sản xuất vụ mùa năm nay là thời gian gối vụ quá ngắn, quỹ thời gian dành cho việc làm đất và cấy lúa mùa rất khẩn trương gần như song trùng do đó gốc rạ và một phần thân, lá lúa (đối với diện tích gặt bằng máy) chưa kịp phân huỷ, hoai mục nên rất dễ dẫn đến hiện tượng lúa mùa sau cấy bị ngộ độc, nghẽn rễ và thiếu chất dinh dưỡng vào đầu vụ. Để giảm thiểu nguy cơ nói trên, phòng chức năng đã chỉ đạo các hộ dân khi thu hoạch lúa xuân cần cắt sát gốc rạ kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học hoặc rắc vôi bột để gốc và thân cây lúa nhanh hoai mục. Đồng thời tiến hành bón thúc sớm, bón tập trung và tăng lượng so với các năm để lúa mùa có đủ chất dinh dưỡng sinh trưởng, phát triển vào thời điểm đầu vụ.

   

Đặc biệt do thời gian thu hoạch lúa xuân, làm đất, gieo mạ và cấy lúa mùa gần như diễn ra vào cùng một thời điểm nên nguồn bệnh rất dễ lây lan từ lúa xuân sang mạ và lúa mùa, nhất là với trà lúa mùa sớm và cực sớm. Mặc dù Quỳnh Phụ đã chỉ đạo phun trừ sâu bệnh cho toàn bộ diện tích mạ trước khi cấy nhưng tình hình sâu bệnh hại lúa mùa vẫn xuất hiện sớm so với mọi năm và đang diễn biết rất phức tạp. Có xã như Quỳnh Minh đến thời điểm này đã tổ chức phun trừ sâu bệnh tới 3 lần cho toàn bộ diện tích trà lúa mùa cực sớm, trong khi đó trung bình các năm trước chỉ phải phun trừ 1 lần…

 

Hiện tại trên đồng ruộng Quỳnh Phụ đang xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại, nguy hiểm nhất là sâu cuốn lá, dự kiến lứa bướm vũ hoá rộ từ 25- 27/ 7 sẽ cho ra đời lứa sâu non tuổi 1 và tuổi 2 nở rộ xung quanh 31/ 7- 2/ 8. Nếu không phòng trừ tốt, lứa sâu này sẽ gây trắng lá đòng đối với trà lúa mùa cực sớm và gây trắng cho bộ lá tiền đòng đối với trà lúa mùa sớm, làm ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lúa mùa. Rầy các loại cũng đã xuất hiện và gây hại với mật độ trung bình phổ biến từ 30- 40 con/ m2, nơi cao từ 100- 150 con/ m2, trong đó rầy nâu chiếm khoảng 30%. Ngoài ra còn một số đối tượng gây hại khác như sâu đục thân, ốc bươu vàng…

   

Trước diễn biến tình hình sâu bệnh nói trên, huyện Quỳnh Phụ chủ trương phát động chiến dịch diệt trừ sâu cuốn lá tập trung từ 31/ 7- 2/ 8 cho toàn bộ diện tích lúa mùa trà sớm, cực sớm và một phần diện tích đại trà đã lên xanh non nằm gần trà lúa sớm và cực sớm. Tổng diện tích cần phun trừ sâu cuốn lá chiếm khoảng 5.000ha. Nếu tổ chức phun trừ đạt hiệu quả cao thì không những bảo vệ được bộ lá công năng mà còn hạn chế đáng kể rầy và sâu đục thân gây hại vì thuốc trừ sâu cuốn lá cũng có tác dụng diệt trừ cả hai loại sâu này.

   

 Cùng với việc chỉ đạo tổ chức tốt chiến dịch diệt trừ sâu cuốn lá trên diện rộng, thời gian tới huyện Quỳnh Phụ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, bám sát đồng ruộng, chủ động phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại và hướng dẫn biện pháp phòng trừ cụ thể, kịp thời, phấn đấu không để xảy ra mất mùa do nguyên nhân sâu bệnh phá hoại. Đồng thời khuyến cáo nông dân phương pháp chăm sóc lúa mùa với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển cụ thể. Điều hành thận trọng khâu cung ứng nước vừa đảm bảo có đủ nguồn nước phục vụ bơm tát, vừa đề phòng mưa lớn kéo dài gây ngập úng, nhất là ở giai đoạn lúa mới cấy.

 

Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa