Chủ nhật, 17/11/2024, 20:29[GMT+7]

Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2017 tăng 3,16% so với năm 2016

Thứ 5, 04/01/2018 | 14:34:45
1,426 lượt xem
Sáng ngày 4/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. 

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016; kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn, thiên tai chồng chất và cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như: kim ngạch xuất khẩu (đạt trên 36 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay), xây dựng nông thôn mới, xây dựng thể chế và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành. Sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, cơ cấu sản phẩm chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ngày càng được chú trọng phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư.

Năm 2018, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8 – 3%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37 – 38 tỷ USD, có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương tiếp tục cơ cấu lại và đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; đánh giá lại tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường quản lý tài nguyên; chú trọng phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng thể chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch; ưu tiên chỉ đạo và dành nguồn lực cho 2 chương trình lớn của ngành là cơ cấu lại và xây dựng nông thôn mới, nghiên cứu ban hành các chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương để thu hút nguồn lực cho ngành.

Lưu Ngần