Chủ nhật, 17/11/2024, 20:32[GMT+7]

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư về chăn nuôi

Thứ 6, 19/01/2018 | 09:51:43
1,440 lượt xem
Nhiều năm qua, tỷ trọng chăn nuôi của Thái Bình đạt khoảng 43%, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng và sự ổn định của ngành Nông nghiệp. Để có được kết quả trên, có vai trò không nhỏ từ những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư về chăn nuôi của tỉnh.

Trang trại lợn của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, xã Bình Định (Kiến Xương).

Nhìn lại từ khi Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 2/8/2004 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giai đoạn 2004 - 2010 được ban hành, việc tổ chức thực hiện, chăn nuôi của Thái Bình đã có những đột phá. 

Năm 2002, trang trại chăn nuôi đầu tiên của Thái Bình thực hiện liên kết với một doanh nghiệp về chăn nuôi, với quy mô 8.000 con gà thịt/lứa. 

Đến năm 2016, toàn tỉnh đã có 26 trang trại tham gia liên kết với 4 doanh nghiệp trong và ngoài nước (C.P; Japfa. RTD; Ausfeed) với quy mô liên kết chăn nuôi lớn: lợn thịt từ 2.000 - 5.000 con/trại; lợn nái từ 600 - 3.000 con/trại; gà thịt trên 10.000 con/trại.  

Hiện nay, Thái Bình là một trong bốn tỉnh của cả nước có số lượng đàn lợn ổn định ở mức khoảng 1 triệu con; đàn gia cầm tăng dần (khoảng 6 - 8% năm), đến nay đạt trên 12 triệu con; đàn trâu, bò gần 50.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi sản xuất hàng năm đạt từ 235.000 - 250.000 tấn, đứng thứ 2 trong khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Toàn tỉnh hiện có 696 trang trại (trong đó có 74 trang trại quy mô lớn), trên 9.200 gia trại và gần 80.000 nông hộ chăn nuôi; năm 2017 giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 9.366,6 tỷ đồng (tăng 3,35% so với năm 2016). Sản phẩm chăn nuôi của Thái Bình, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh còn xuất đi các tỉnh ngoài như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Ngoài ra còn xuất sang một số nước, tuy nhiên sản phẩm xuất đi chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị kinh tế thấp.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế, đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong nông nghiệp là chăn nuôi, đặc biệt là những nông hộ chăn nuôi nhỏ, phân tán do có nhiều hạn chế trong đầu tư, tổ chức sản xuất nên khối lượng sản phẩm hàng hóa chưa tập trung, sức cạnh tranh sản phẩm yếu, tính bền vững kém. Trong khi đó, đây lại là hình thức phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn cả về số lượng vật nuôi và số hộ chăn nuôi của Thái Bình. Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y vẫn lựa chọn Thái Bình là tỉnh thí điểm để xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu về xuất khẩu. 

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển như: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII và XIX; Quyết định số 1437/QĐ-UBND ngày 13/7/2006 về việc chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng đầu tư phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ chế biến gia cầm tập trung; Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 7/7/2011 về phê duyệt đề án phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020; Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 18/1/2012 về ban hành quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở tỉnh Thái Bình… 

Cùng với phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành  Quyết định số 4064/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu giống gia súc trong chăn nuôi nông hộ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nổi bật lên trong những cơ chế, chính sách nêu trên, đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn, Quyết định số 1437/QĐ-UBND đã thu hút được nhiều chủ đầu tư vào chăn nuôi. Theo đó, đã hỗ trợ cho 9 trang trại chăn nuôi (chủ yếu là doanh nghiệp) và 17 hộ chăn nuôi tại vùng chăn nuôi tập trung xã Đông Kinh (Đông Hưng) với tổng kinh phí hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng là 5,95 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện cơ chế, chính sách đối với trang trại quy mô lớn tại Nghị định số 210 của Chính phủ và Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư về tỉnh. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Việt Hùng thuộc Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư xây dựng trại bò thịt giống ngoại, quy mô 10.000 con/lứa với tổng diện tích hơn 10ha tại Hưng Hà. Hay như trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô 6.250 con tại Thái Thụy trên tổng diện tích 414.000m2 với tổng vốn đầu tư là 467,873 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Hòa Phát dự kiến tháng 6/2018 hoàn thành xây dựng, chính thức đi vào hoạt động… Đối với chăn nuôi nông hộ, tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã giúp khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tạo tiền đề để xây dựng thành công đề án thí điểm về vùng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn ở Thái Bình để tiến tới đạt yêu cầu xuất khẩu. Gần đây, Quyết định số 4064/QĐ-UBND của tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu giống gia súc đã góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu giống gia súc, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là việc chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, các ngành cùng với việc đẩy mạnh thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, chắc chắn rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn nữa lựa chọn Thái Bình là nơi đầu tư tin cậy. Với vai trò trung tâm, doanh nghiệp sẽ sát cánh với người chăn nuôi của tỉnh trong tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín; đầu tư các cơ sở chế biến, giết mổ các sản phẩm chăn nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao hơn và bền vững cho người chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

 Phan Anh