Chủ nhật, 17/11/2024, 19:40[GMT+7]

Ngành Công Thương thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:27:14
838 lượt xem
Năm 2017, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, nhân dịp năm mới, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Vũ Ngọc Khiếu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương về những kết quả đạt được trong năm qua cũng như định hướng của ngành trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2017 được cho là năm có nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen, tác động không nhỏ đến sản xuất công nghiệp của tỉnh, đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Đồng chí Vũ Ngọc Khiếu: Năm 2017, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính (TTHC), đất đai, vốn, thị trường cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Do đó, một số dự án quy mô lớn đã đi vào hoạt động hiệu quả, phát huy được công suất thiết kế như: Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Nhà máy khí thấp áp Tiền Hải, tổ máy số 1 và số 2 Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, dây chuyền số 2 nhà máy Yazaki tại Thái Bình... Đặc biệt, trong năm, công tác cải cách TTHC tiếp tục được tăng cường, 100% TTHC công do Sở Công Thương thực hiện được giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, giảm trên 50% về thời gian thực hiện thủ tục và đơn giản hóa thành phần hồ sơ cho 100% TTHC. Đồng thời, Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC lĩnh vực công thương ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, ngành Công Thương của tỉnh trong năm qua cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Doanh nghiệp ở tỉnh hầu hết quy mô nhỏ, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghệ còn lạc hậu, lao động đào tạo bài bản trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tin học, điện tử còn thiếu. Ngoài ra, thị trường thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn tới tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật của ngành trong năm qua?

Đồng chí Vũ Ngọc Khiếu: Ngay từ đầu năm 2017, ngành Công Thương đã tham mưu cho tỉnh tổ chức lễ ra quân, phát động doanh nghiệp thi đua sản xuất, kinh doanh  kịp thời động viên các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức hiệu quả nhiều hội nghị gặp mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu được giao: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 48.839 tỷ đồng, tăng 19%, đạt 100,7% kế hoạch; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 36.049 tỷ đồng, tăng 13%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.400 triệu USD, tăng 7,44%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.211 triệu USD, tăng 2,8% so với năm 2016. Đặc biệt, năm qua ngành đã xây dựng quy hoạch báo cáo tỉnh, Bộ Công Thương về nhiều lĩnh vực quan trọng như quy hoạch phát triển điện lực Thái Bình giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035; quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ Thái Bình giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển thương mại giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035...

Xí nghiệp phân phối khí thấp áp miền Bắc tại Thái Bình.

Phóng viên: Để phấn đấu tới năm 2020 toàn tỉnh có hơn 9.000 doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 13,5%/năm, ngành Công Thương đã đề ra các giải pháp thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Ngọc Khiếu: Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX có ý nghĩa rất quan trọng. Xác định rõ điều này, ngành Công Thương đã tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp. Trước hết, ngành đã xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án quy hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ, đóng vai trò định hướng xuyên suốt quá trình quản lý, điều hành phát triển của ngành giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Thường xuyên bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức hiệu quả công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực công thương, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn.

Phóng viên: Năm 2017, tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức tại Việt Nam, trong đó có rất nhiều diễn đàn xoay quanh chủ đề về doanh nghiệp, vậy theo đồng chí sẽ có những tác động gì tới sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp của tỉnh sau sự kiện này?

Đồng chí Vũ Ngọc Khiếu: Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, trong đó có rất nhiều diễn đàn xoay quanh chủ đề về doanh nghiệp đã thành công tốt đẹp, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong mắt lãnh đạo các nước, các doanh nhân trên thế giới được nâng lên một bước, tạo động lực mới trong thu hút đầu tư trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Tôi nghĩ sự kiện này sẽ tác động lớn đến nhận thức của đội ngũ doanh nghiệp của tỉnh. Thứ nhất là về tinh thần khởi nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững. Thứ hai là thời cơ về mở rộng thị trường xuất khẩu vào APEC; yêu cầu các doanh nghiệp phải có giải pháp hữu hiệu để hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ và toàn diện hơn. Thứ ba là thách thức về cạnh tranh trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Yêu cầu doanh nghiệp phải liên tục nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm bằng các biện pháp quản lý tốt, tiết giảm chi phí, công nghệ hiện đại bảo đảm năng suất và chất lượng vượt trội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Thủy thực hiện

  • Từ khóa