Thứ 7, 16/11/2024, 20:37[GMT+7]

Tam Quang Nỗ lực phát triển kinh tế

Thứ 4, 24/08/2011 | 11:07:17
1,437 lượt xem
Những đổi thay ở xã nội đồng Tam Quang (Vũ Thư) khiến chúng tôi như người đi xa quê lâu ngày trở về thật sự ngỡ ngàng.

Cán bộ HTX dịch vụ nông nghiệp kiểm tra cánh đồng trồng đậu tương hè thu làm giống cho vụ đông.

Diện mạo của làng quê có phần khởi sắc với các công trình xây dựng khang trang: Trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, trường mầm non, trường tiểu học còn tươi rói màu sơn mới. Trên trục đường trung tâm xã, có thêm nhiều ngôi nhà dân đang hoàn thiện. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: Tam Quang đã ra khỏi danh sách 8 xã nghèo của huyện.

Đồng đất Tam Quang yên bình trải màu xanh hy vọng. Cây lúa mùa qua kỳ bón thúc, tập trung đẻ nhánh hữu hiệu, chống chọi với sâu bệnh, với thiên tai đe dọa. Tam Quang vừa kết thúc chiến dịch “Toàn dân bắt ốc bươu vàng”. Chưa năm nào, nạn ốc bươu vàng phá lúa tràn lan như năm nay.

Ông Hoàng Đình Sơn, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp cho rằng: Vụ xuân lượng thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh ít hơn các năm, ốc nhởn nhơ sống tiềm ẩn ở các sông ngòi, mương máng, tràn lên đồng ruộng gây hại. Toàn xã đã bắt, tiêu hủy gần 3 tấn. Có nhà, một sào ruộng bắt 2 thúng ốc, trứng ốc. HTX trích kinh phí thưởng cho các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh tổ chức cho đoàn viên, hội viên thu gom ốc tại các mương máng nội đồng, mỗi đoàn thể 150 ngàn đồng.

Hiện nạn chuột cũng đang phá lúa mạnh. Mặc dù các thôn trích quỹ mua cạm bẫy về đặt, kết hợp với dùng bả sinh học, tập trung diệt chuột, bảo vệ lúa, nhưng ông Sơn lo ngại chuột từ đồng các xã lân cận lại tràn sang nếu toàn huyện không quây đánh đồng loạt.

Thực hiện chủ trương của UBND huyện, HTX vừa thống kê từng chân đất, từng xứ đồng, thời gian gieo cấy, thu hoạch các giống lúa ở từng thôn, từng hộ gia đình nhằm kiểm đếm quỹ đất chuẩn bị cho kế hoạch vụ đông. Toàn xã phấn đấu gieo trồng 140 ha, tăng 22 ha so vụ đông 2010. Chỉ tiêu diện tích vụ đông đã được giao tới từng thôn, từng hộ. Trong đó chủ lực là cây đậu tương, trên 70 ha. Xã nhận giống đậu tương gốc huyện cấp, giao cho 2 thôn Hòa Bình và Vô Ngại, gieo trên quỹ đất màu 8,7 ha, đủ lượng giống trồng cho vụ đông.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là quỹ thời gian (năm trước có hộ gieo đậu muộn, quả chưa già hạt đã phải nhổ để làm đất cấy lúa xuân) thì HTX cũng đã giải tỏa tâm lý cho xã viên:  Năm 2012 là năm nhuận nên không đáng lo về thời gian cấy lúa xuân, người dân trồng đậu tương yên tâm để hạt già mới thu hoạch. Xã cũng đã có dự định đưa cây đỗ xanh, cây khoai tây vào vụ đông ưa lạnh, phấn đấu bảo đảm chỉ tiêu diện tích huyện giao.

5 tháng cuối năm 2011, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương bắt tay vào thực hiện cuộc cách mạng về ruộng đất,  phấn đấu dồn điền đổi thửa xong trong năm 2011. Đảng bộ xã đặt ra 3 mục tiêu quan trọng: Phấn đấu mỗi hộ sau dồn đổi tối đa không quá 2 thửa ruộng; tập trung đất 5% thành một vùng phục vụ công tác quy hoạch các công trình phúc lợi của xã; nhân dân tự nguyện hiến đất làm các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới. Mọi công việc được tiến hành theo tiến độ từng ngày. Từng thành viên trong ban chỉ đạo của xã được phân công nhiệm vụ cụ thể phối hợp chỉ đạo ăn ý, nhịp nhàng với các thôn.

Để tạo sự đồng thuận cao của nhân dân, Đảng ủy coi trọng việc thực hiện quy chế dân chủ, lấy ý kiến nhân dân, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Công tác tuyên truyền đi trước một bước để nhân dân thấy rõ lợi ích chung của toàn xã, lợi ích riêng của mỗi gia đình khi thực hiện chỉnh trang đồng ruộng.

Điều đáng mừng là người dân đồng thuận cao với chủ trương lớn của Đảng. Từ kết quả việc dồn điền đổi thửa ở địa phương năm 2002 không triệt để nên nhiều gia đình vẫn gieo cấy trên 4,5 mảnh ruộng ở các xứ đồng khác nhau đã bộc lộ rõ những khó khăn trong canh tác, thu hoạch, nhất là đối với những hộ con em đi làm ăn xa, thiếu lao động. Gần đây, một số hộ gia đình đã đầu tư mua 4 máy cày công suất lớn, 1 máy gặt đập liên hợp. Họ cũng mong ruộng liền bờ, liền thửa,  thuận tiện vận hành máy nông cụ thay sức người khắc phục tình trạng thiếu lao động khi mùa vụ. Thực tế vừa qua, có máy gặt đập, máy cày công suất lớn, thôn Hòa Bình trong vòng 8 ngày (kể từ ngày gặt xong) đã hoàn thành cày bừa, gieo cấy trên 100 mẫu ruộng xong trước ngày 8/7/2011, sớm nhất xã.

Người dân Tam Quang đã bớt nghèo từ khi vụ đông được mở rộng trên đất 2 lúa. Đặc biệt là nghề làm chổi đót được du nhập tại 2 thôn Nghĩa Khê, Đồng Tiến tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho gần 700 lao động nông nhàn. Nhiều hộ vừa tổ chức sản xuất, vừa kiêm đại ký bán buôn, bán lẻ, đưa sản phẩm đi khắp mọi miền đất nước.

Năm nay giá nguyên liệu đót rẻ hơn, dồi dào hơn mọi năm, sản phẩm chổi giữ giá nên giá trị ngày công của người lao động tính theo sản phẩm khá hơn. Bình quân mỗi tháng nơi đây tiêu thụ 130 tấn đót. Một số nghề khác cũng đã được nhen nhóm. Chị Trần Thị Luyến (thôn Thượng Điền) vay vốn du nhập nghề dệt khăn mặt, tạo việc làm cho 30 lao động. Tam Quang còn có 147 hộ bám mặt đường 10 và khu vực trung tâm xã kinh doanh hàng quán, dịch vụ...

Với những bước đi thận trọng nhưng đúng hướng, Tam Quang hôm nay đã vượt qua đói nghèo, hòa chung nhịp bước với các xã trong huyện tiếp tục hành trình xây dựng nông thôn mới. Xã đã trình huyện phê duyệt quy họach chi tiết hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Đảng viên, cán bộ gương mẫu tiên phong, nhân dân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, hướng tới lợi ích tập thể lớn hơn. Với nhận thức ấy, chắc chắn Tam Quang sẽ hoàn thành tốt Đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp ngoài đồng ruộng ngay trong năm 2011.

Bảo Linh

 

  • Từ khóa