Chủ nhật, 24/11/2024, 12:47[GMT+7]

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình Điều hành linh hoạt các giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát và bảo đảm vốn cho nền kinh tế

Thứ 3, 30/08/2011 | 14:58:55
2,048 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 11của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) NHNN Chi nhánh Thái Bình chủ trì xây dựng chương trình hành động của ngành về các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2011, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát tốc độ tăng trưởng, điều chỉnh mạnh cơ cấu đầu tư và nâng cao chất lượng tín dụng.

Chi nhánh Ngân hàng Việt Nam Thái Bình VPBank tăng cường huy động vốn cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh.

Trước tình hình lạm phát tăng, giá hàng hóa và dịch vụ tăng cao, đặc biệt là giá vàng, kéo theo lãi suất ngân hàng tăng, NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, khiến một số doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng. Để tìm hiểu về vấn đề này, Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Đinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

 

Phóng viên (P/V): Xin ông cho biết tình hình lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay và nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn hiện nay?

 

Ông Đinh Ngọc Thạch: Trước hết, các TCTD là doanh nghiệp đặc thù, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, thực hiện đi vay để cho vay. Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam (VND) của các ngân hàng tối đa 14%/năm, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cơ sở tối đa 14,5%/năm; lãi suất huy động vốn bằng USD tối đa 0,5%/năm đối với tổ chức kinh tế, 2%/năm đối với cá nhân. Trong bối cảnh chung của cả nước, lạm phát tăng cao, từ đầu năm 2011 đến nay, công tác huy động vốn của các TCTD trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

 

Trước diễn biến bất lợi của thị trường, các TCTD trên địa bàn đã tăng cường quảng bá thương hiệu, chủ động triển khai, đa dạng hóa các hình thức, kỳ hạn huy động vốn nhằm huy động tối đa nguồn vốn trong nền kinh tế và trong dân cư. Vì vậy, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành đến cuối tháng 8 năm 2011 đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 15,5 % so với cùng kỳ, tăng 18,3% so với 31/12/2010. Đây là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh nguồn vốn huy động tại địa phương, các TCTD đã tranh thủ các nguồn vốn điều hòa, vốn vay từ Trung ương khoảng trên 3.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo khả năng thanh toán, mở rộng đầu tư, cho vay các lĩnh vực, thành phần kinh tế, các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Với mức lãi suất huy động trên thị trường như trên; lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu tăng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng, các TCTD cho vay bằng VND phục vụ sản xuất kinh doanh phổ biến khoảng 20 - 21%/năm (1,7%/tháng), cho vay một số lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu (với điều kiện bán ngoại tệ cho ngân hàng), cho vay nông nghiệp, nông thôn,... dao động từ 16 - 17%/năm, cho vay nhu cầu tiêu dùng khoảng 22 - 23%/năm; lãi suất cho vay USD khoảng 7,5 - 8,5%/năm.

 

Khi chỉ số lạm phát (CPI) giảm, cùng với việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của NHNN Việt Namon> thì lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng cũng sẽ giảm.

 

P/V: Thưa ông, được biết khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 20% doanh nghiệp được khảo sát chịu đựng được mức lãi suất cho vay 16-20%, nhiều doanh nghiệp còn lại sẽ phải thu hẹp quy mô sản xuất nếu lãi suất vay ngân hàng tiếp tục gia tăng cùng với điều kiện môi trường kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Thực tế ở tỉnh ta, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do giá cả đầu vào tăng cao, trong đó có cả yếu tố lãi suất ngân hàng. Với chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Xin ông cho biết quan điểm  về vấn đề này?

 

Ông Đinh Ngọc Thạch: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động kiểm soát quy mô, tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với tốc độ chung của toàn ngành cũng như tại từng TCTD; tập trung đầu tư các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN; điều chỉnh mạnh cơ cấu đầu tư, nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng ưu tiên cho vay các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển công nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến, xuất khẩu... Bảo đảm khống chế mức tăng trưởng dư nợ năm 2011 dưới 20%.

 

Dư nợ cho vay toàn địa bàn đến cuối tháng 8 năm 2011 đạt trên 19.400 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ, tăng 16,1% so với 31/12/2010, bình quân mỗi tháng, dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng Thái Bình tăng khoảng 2%, cao hơn bình quân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và bình quân toàn quốc (6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của các ngân hàng Thái Bình tăng 12,5%, toàn quốc tăng 7,05%, bình quân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tăng 8,5%).

 

Mặc dù phải triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, hệ thống ngân hàng Thái Bình vẫn đảm bảo đáp ứng kịp thời, tương đối đầy đủ các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong tỉnh, đặc biệt là các dự án hiệu quả, khả thi trong lĩnh vực SXKD, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng tôi khẳng định, dự án đầu tư hiệu quả, khả thi (nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa), ngành ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ vốn, thủ tục nhanh gọn. 

 

P/V: Ông có thể cho biết một số giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng Thái Bình những tháng cuối năm 2011?

 

Ông Đinh Ngọc Thạch: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ngân hàng Thái Bình tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

 

- Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về tiền tệ và ngân hàng của NHNN Chi nhánh tỉnh; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ, Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN về thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội năm 2011.

 

- Đẩy mạnh huy động vốn, phát triển mạng lưới hoạt động; tăng cường chỉ đạo các TCTD rà soát, giám sát chặt chẽ các khoản vay; tập trung đầu tư, cho vay các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay các dự án SXKD hiệu quả; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... góp phần thực hiện thắng loại các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2011.

 

- Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD; việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, thu phí trong hoạt động tín dụng, hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng... đảm bảo ổn định hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

 

- Toàn ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, triển khai đầy đủ, kịp thời cơ chế chính sách  mới của Nhà nước, của ngành liên quan đến hoạt động ngân hàng tới các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.

 

- Tăng cường đào tạo, giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên; kiện toàn tổ chức, bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung của ngành trong giai đoạn tới.

 

P/V: Xin cảm ơn ông!

 

Thu Hương

(Thực hiện)

  • Từ khóa