Thứ 7, 16/11/2024, 19:58[GMT+7]

Phong trào phát triển kinh tế VAC ở Đông Hưng

Thứ 4, 31/08/2011 | 15:01:18
1,764 lượt xem
Những năm qua, Hội Làm vườn huyện Đông Hưng đã chỉ đạo, tổ chức phát động phong trào phát triển kinh tế VAC sôi nổi rộng khắp trong toàn huyện. Phong trào đã cụ thể hóa bằng các chương trình hành động đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Khu chăn nuôi tập trung của một hộ gia đình nông dân ở xã Đông Kinh (Đông Hưng). Ảnh: Thành Tâm

Đông Hưng là huyện nông nghiệp, lực lượng lao động trong lĩnh vực này chiếm trên 70%, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.

Hàng năm 100% cơ sở hội ở Đông Hưng đã triển khai cho hội viên học tập, nghiên cứu nội dung, ý nghĩa của phong trào. 3 năm qua đã có 9.897 lượt hội gia đình hội viên đăng ký thực hiện, đạt 100%. Để giúp các hội viên phát triển sản xuất, các cấp hội đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn hội viên như: Tổ chức các cuộc tham quan mô hình sản xuất điển hình tiên tiến, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, để thay đổi tập quán sản xuất. 

 

Từ năm 2008 đến nay, Hội Làm vườn đã tổ chức 17 cuộc tham quan, 507 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho trên 2.000 lượt hội viên về học tập. Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp với ngân hàng cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất với số dư hiện nay là 14 tỷ đồng. Qua đó, các hội viên đã tích cực chuyển đổi, mạnh dạn đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào phát triển sản xuất như nhím, ba ba, cá sấu, lợn hướng nạc, cây cảnh, bưởi diễn, cây sưa, măng tre Bát Độ...Từ phong trào này, các hội viên đã mạnh dạn phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

 

Giai đoạn 2008-2011, toàn huyện đã chuyển đổi được 75ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung, đưa tổng diện tích chuyển đổi của huyện đến nay lên 552,7ha, bằng 4,3% diện tích đất nông nghiệp. Diện tích chuyển đã tăng nên đã có thêm 145 trang trại so với năm 2004, đưa tổng số trang trại của huyện hiện nay lên 378 trang trại. Đặc biệt, qua phong trào này Đông Hưng đã hình thành được các vùng chăn nuôi tập trung như Đông Kinh, Đông Lĩnh, Hoa Namon>, Đông La, Đông Cường...Bên cạnh đó, Đông Hưng còn có 987 gia trại tiếp tục được duy trì và phát triển.

 

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, trở thành hội viên có mức sống giàu, khá của địa phương. Điển hình như ông Đỗ Mạnh Diệp - Chủ tịch Hội Làm vườn xã Đô Lương. Mới đầu, bản thân ông là thương binh nghèo, nhưng với khát vọng làm giàu ông đã lặn lội, tìm tòi học hỏi, mạnh dạn đưa con nhím vào chăn nuôi đầu tiên ở huyện. Mô hình nuôi nhím thành công đã cho ông đạt thu nhập tới hàng trăm triệu đồng/năm, thỏa lòng mong ước mua nhà, mua đất và ô tô cho các con ông hiện đang sinh sống trong miền Namon>. Hay mô hình chăn nuôi  của anh Nguyễn Văn Cẩn, xã Trọng Quan cũng cho thu nhập tới hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Cẩn cho biết: gia đình anh có 4 khẩu, 3 lao động.

 

Cũng xuất phát từ hòan cảnh gia đình chỉ có vài sào ruộng, đời sống khó khăn, nên anh đã nuôi dưỡng ước mơ có cuộc sống đầy đủ để nuôi các con ăn học thành đạt. Từ khi huyện có chủ trương cho chuyển đổi vùng cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng cây con gía trị kinh tế cao, anh đã mạnh dạn chuyển đổi 4000m2 đất từ ruộng trũng sang làm vườn và xây dựng trang trại. Anh đã tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm ở các nơi, sau đó quyết định đầu tư xây 12 ô chuồng nuôi lợn và đào 400m2 ao nuôi cá cảnh, số diện tích còn lại anh chia theo từng khu vực để trồng cây. Hiện tại do không có lao động nên anh chỉ đầu tư vào làm vườn với trên 500 cây quất bán tết, trên 400 chậu cây cảnh và hàng nghìn cây giống các loại.

 

Sau nhiều năm đầu tư vào chuyển đổi đến nay cuộc sống gia đình anh đã khá giả, anh đã xây được nhà, mua sắm đầy đủ tiện nghi và có tiền nuôi các con ăn học. Ngoài ra, còn rất nhiều hội viên áp dụng mô hình phát triển kinh tế VAC với số lượng con vật nuôi lớn cho thu nhập cao, như mô hình nuôi lợn và trồng măng tre Bát Độ của ông Vũ Cao Sản, xã Đô Lương, mô hình nuôi gà công nghiệp của anh Quách Văn Hậu, xã Đông Tân...

 

Nhờ có phong trào nên các hội viên đã tự giúp đỡ nhau về vốn, kiến thức, tạo điều kiện cho các hội viên khó khăn khác vươn lên thoát nghèo. Trong 3 năm qua đã có 40 hộ thoát nghèo, đồng thời đã giúp 165 lượt hộ nghèo và hàng trăm hộ khác hàng chục ngàn cây giống, con giống, hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp giá trị vài tỷ đồng.

 

Với những việc làm thiết thực đó, Hội Làm vườn huyện Đông Hưng đã ngày càng thu hút, hội tụ được các hội viên tham gia sinh hoạt hội. Để tiếp tục vận động các hội viên mở rộng sản xuất, làm giàu cho chính mình, chung tay góp sức vào xây dựng mô hình nông thôn mới, trong thời gian tới Hội Làm vườn Đông Hưng phấn đấu 100% xã, thị trấn phát động phong trào phát triển kinh tế VAC, 50% trở lên số hội viên đăng ký đạt danh hiệu sản xuất VAC giỏi.                                

Thu Thủy

  • Từ khóa