Chủ nhật, 17/11/2024, 21:31[GMT+7]

Tín hiệu khả quan trong xuất khẩu

Thứ 2, 09/04/2018 | 08:54:03
2,222 lượt xem
Hết quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt gần 300 triệu USD, tăng 10,77% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 19,28% kế hoạch năm 2018. Đây là tín hiệu khả quan để năm 2018 kim ngạch xuất khẩu cán mốc 1.555 triệu USD, tăng 11,07% so với năm 2017.

Các doanh nghiệp dệt sợi của tỉnh xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Mặc dù đầu năm là thời điểm kim ngạch xuất khẩu thường có dấu hiệu chững lại do chưa tới mùa cao điểm của ngành may mặc song đầu năm nay lại có chuyển biến tích cực hơn. Tại các khu công nghiệp, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp có sự tăng trưởng, ước đạt 199,34 triệu USD, tăng 17%, đạt 21% kế hoạch năm, trong đó giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 113,62 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện toàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp thường xuyên sang các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 43 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN. Mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú như may mặc, dệt sợi, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm, trong đó các sản phẩm may công nghiệp của khối doanh nghiệp trong và ngoài nước chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu toàn ngành công nghiệp của tỉnh. 

Đến hết quý I, toàn tỉnh có 85 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực may mặc với kim ngạch xuất khẩu đạt 162 triệu USD. Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao là Công ty TNHH TAV, đạt 40,3 triệu USD, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao, đạt 30,2 triệu USD, Công ty TNHH May mặc VJone, đạt 23,3 triệu USD, Công ty TNHH May Nien Hsing Việt Nam, đạt 13,4 triệu USD. Theo kế hoạch, ngành may mặc sẽ xuất khẩu mạnh từ tháng 5 trở đi, nhất là trong năm nay có nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô nhà máy, mở rộng thị trường do đó ngành may sẽ tiếp tục khẳng định là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Lĩnh vực dệt sợi, dệt khăn bông cũng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, trong đó nhóm doanh nghiệp dệt khăn có tới 48 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 30 triệu USD. Một số doanh nghiệp có kết quả cao là Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Nam Long, đạt 9,6 triệu USD, Công ty Dệt nhuộm xuất khẩu Thăng Long, đạt 5,2 triệu USD, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc, đạt trên 2 triệu USD, Công ty TNHH Thảm xuất khẩu Đông Phong, đạt 2,1 triệu USD. Đặc biệt, trong lĩnh vực dệt xơ, sợi, mặc dù chỉ có 12 doanh nghiệp lớn hoạt động song hầu hết các doanh nghiệp đều đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô nhà máy, nâng công suất lên gấp nhiều lần các năm trước, đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với gần 40 triệu USD. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với gần 12 triệu USD, tiếp đến là Công ty Cổ phần Damsan 7,1 triệu USD, Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý 5,8 triệu USD...

Góp phần quan trọng vào kết quả trên là do thời gian qua tỉnh ta đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là có sự hỗ trợ, đổi mới hoạt động của Chi cục Hải quan Thái Bình nên nhiều doanh nghiệp đã thực hiện mở tờ khai đăng ký thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Thái Bình. Bên cạnh đó, một số hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết cũng tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, ở một số ngành hàng thị trường xuất khẩu vẫn rất ảm đạm, nhất là trong ngành thực phẩm nông sản. Trong khi bối cảnh chung về mặt hàng xuất khẩu gạo của cả nước có nhiều triển vọng thì tỉnh ta vẫn khó khăn do thị trường hạn chế, doanh nghiệp chưa đủ năng lực để xuất khẩu. Ngoài ra ở một số thị trường châu Phi có khả quan về xuất khẩu gạo nhưng độ rủi ro lại quá lớn khiến các doanh nghiệp không dám mở cửa. Bên cạnh đó là những khó khăn về sự cạnh tranh lớn từ các nước Ấn Độ, Thái Lan về giá cả và chất lượng gạo. 

Dự báo năm 2018 vẫn tiếp tục khó khăn đối với xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này còn ít, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì chỉ duy nhất có Công ty TNHH Hưng Cúc đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc, Đài Loan, còn lại các doanh nghiệp khác vẫn đang trong quá trình tìm kiếm thị trường. Theo đánh giá của Sở Công Thương, mặc dù gạo là mặt hàng thế mạnh của tỉnh nhưng những năm qua kim ngạch xuất khẩu gạo có sự suy giảm rõ rệt, điển hình như năm 2015 giá trị xuất khẩu gạo đạt cao nhất với 22 triệu USD, năm 2016 giảm còn trên 4 triệu USD và tới năm 2017 chỉ còn 1,7 triệu USD. Vì thế, so với thị trường cả nước đang xuất khẩu gạo sang 132 quốc gia thì con số đó của Thái Bình là quá nhỏ.

Hầu hết các sản phẩm may công nghiệp của các doanh nghiệp trong tỉnh đều xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Để kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt kế hoạch đề ra, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Tổ chức các hội nghị, hội thảo về phổ biến Luật Quản lý ngoại thương và các nghị định hướng dẫn, trong đó tập trung vào lĩnh vực xuất nhập khẩu. Dự kiến sẽ thành lập phòng hoặc tổ cấp C/O không ưu đãi tại Thái Bình để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thu Thủy