Chủ nhật, 17/11/2024, 21:36[GMT+7]

Từng bước ổn định chăn nuôi lợn

Thứ 4, 11/04/2018 | 09:30:25
2,739 lượt xem
Cuối năm 2016 giá lợn hơi giảm mạnh khiến người chăn nuôi điêu đứng, không ít hộ thua lỗ nặng, nhiều hộ bỏ trống chuồng nuôi. Tuy nhiên, vẫn có những nông dân xác định cả đời gắn bó với nghề nuôi lợn, dẫu gặp khó vẫn kiên trì bám trụ, từng bước ổn định sản xuất.

Gia đình anh Hăng đầu tư chuồng trại khép kín, hiện đại góp phần chăn nuôi đàn lợn an toàn, bền vững.

Thời “hoàng kim”

Năm 2006, anh Nguyễn Văn Hăng, thôn Thái Hạc, xã Việt Thuận (Vũ Thư) bắt đầu nghề nuôi lợn với hai bàn tay trắng. Anh Hăng chia sẻ, những năm trước, khi chưa bị ảnh hưởng lợn rớt giá, nuôi lợn tuy vất vả nhưng người chăn nuôi phấn khởi vì thu lãi khá xứng đáng với công sức đầu tư. Với quy mô 50 con lợn nái và 200 - 300 con lợn thịt/lứa, mỗi năm anh thu lãi hàng trăm triệu đồng, đặc biệt năm 2015 - 2016, gia đình anh Hăng thu lãi 1,2 tỷ đồng/năm từ chăn nuôi lợn. Sau hơn 10 năm đầu tư sản xuất, đàn lợn đã giúp anh có của ăn, của để, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm ô tô, vì vậy anh rất quý đàn lợn và muốn gắn bó với nghề vất vả này.

Giới thiệu căn biệt thự mini trị giá tiền tỷ của gia đình, ông Nguyễn Văn Điền, thôn Toàn Thắng, xã Bách Thuận (Vũ Thư) cho hay: Đây là thành quả sau nhiều năm chăn nuôi lợn thành công của gia đình ông. Những năm trước, giá lợn ổn định, ông Điền thu lãi khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/con lợn/lứa, tổng thu vài trăm triệu đồng mỗi năm. 

Không riêng gia đình ông Điền, chăn nuôi lợn còn tạo nguồn thu chính cho hầu hết người dân Bách Thuận nhiều năm qua, trong đó hàng trăm hộ giàu lên nhờ nuôi lợn. Các trang trại, gia trại ở Việt Thuận, Hồng Lý, Tân Lập, Việt Hùng... đàn lợn lúc nào cũng đông đúc, mang về nguồn thu không nhỏ cho các hộ chăn nuôi.

Gặp nhiều khó khăn

Do nhiều yếu tố, từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn hơi trên thị trường cả nước giảm sâu và kéo dài, khiến người chăn nuôi điêu đứng. Hầu hết các hộ chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ đã dừng tái đàn, bỏ trống chuồng nuôi. 

Anh Bùi Văn Hữu, thôn Phú Chử, xã Việt Hùng (Vũ Thư) chia sẻ, trước kia vợ chồng anh thường xuyên nuôi từ 50 - 70 con lợn/lứa, thu nhập khá tốt. Khi lợn rớt giá, anh Hữu bị thua lỗ vài chục triệu đồng/lứa, khoảng 1 năm nay anh không dám tái đàn. Chuồng trại bỏ không, vợ chồng anh Hữu phải đi làm thuê, công việc không ổn định, vất vả hơn trước nhiều.

Ông Nguyễn Văn Điền, chủ hộ chăn nuôi xã Bách Thuận cho biết thêm: Gia đình ông không thể bỏ nghề nuôi lợn vì nếu bỏ nuôi lợn thì không biết làm gì, hàng loạt chuồng trại đã đầu tư cũng không thể bỏ trống hết, ông chỉ giảm quy mô chăn nuôi xuống còn khoảng 50% so với trước. Tuy giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc thú y hầu như không giảm, vì vậy, hiện tại, tuy không thua lỗ nhưng người chăn nuôi vẫn chưa có lãi hoặc lãi rất thấp từ chăn nuôi lợn. Mỗi ngày, ông Điền vừa dồn sức chăm sóc tốt đàn lợn vừa ngóng chờ tin lợn tăng giá. Tuy biết là khó, nhưng ông không có cách nào khác ngoài hy vọng.

Kiên trì để ổn định sản xuất

Nếu hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã dừng sản xuất, bỏ trống chuồng nuôi thì ngược lại, các trang trại, hộ chăn nuôi lợn với quy mô lớn đều kiên trì tái đàn với số lượng đàn lợn giảm khoảng 20 - 30%. Lý giải điều này, anh Nguyễn Văn Hăng (xã Việt Thuận) cho biết, nhiều hộ chăn nuôi theo kiểu chụp giật, khi thấy nuôi lợn có lãi, phát triển đàn lợn ồ ạt, đến khi lợn rớt giá thua lỗ thì mau chóng dẹp bỏ. Tuy nhiên, gia đình anh và nhiều hộ khác xác định chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, gắn bó cả đời với con lợn nên cần kiên trì vượt qua khó khăn của cơn bão giá để ổn định sản xuất. Để sản xuất an toàn, năm 2016, gia đình anh đầu tư trên 2 tỷ đồng, xây dựng hàng nghìn mét vuông chuồng trại nuôi lợn khép kín, hiện đại. Do đó, dù lợn giảm giá nhưng nếu để trống chuồng thì còn lãng phí hơn, mà chuồng nuôi lợn không thể cải tạo thành chuồng nuôi gà hay vật nuôi khác. Tận dụng lợi thế chuồng trại bảo đảm, có kỹ thuật chăn nuôi tốt, anh Hăng nỗ lực chăm sóc, phòng, trừ dịch bệnh tốt nhờ đó đàn lợn khỏe mạnh, lớn nhanh, không bị thiệt hại về số lượng.

 “Đàn lợn khỏe mạnh, cho năng suất cao là một yếu tố quan trọng giúp anh không thua lỗ mà hòa vốn hoặc lãi nhẹ, dù lợn vẫn rớt giá. Hiện tại, gia đình anh Hăng vẫn duy trì đàn lợn nái 60 con và lợn thịt 200 con. Anh phấn đấu giữ ổn định đàn lợn, khi rớt giá cũng không bị thua lỗ, nếu giá lợn tăng, anh có cơ hội thu lãi. Chăn nuôi phải có lúc thắng, lúc bại, dù gì cũng phải kiên trì, không thể nản chí bỏ cuộc giữa chừng” - anh Hăng chia sẻ.

Ông Phạm Hồng Đăng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết: Cơn bão giá làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển đàn lợn trong cả nước nói chung và địa bàn huyện Vũ Thư nói riêng. Nếu các năm trước tổng đàn lợn của huyện thường duy trì ở mức 160.000 - 170.000 con thì sau đợt rớt giá đến nay, tổng đàn lợn chỉ còn khoảng trên 100.000 con. Hầu hết các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ từ 50 - 70 con trở xuống đã ngừng nuôi, chỉ còn các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn vẫn kiên trì chăn nuôi. Chúng tôi tích cực hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật giúp các hộ chăn nuôi làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn. Trong điều kiện hiện tại, khuyến cáo các hộ không mở rộng quy mô chăn nuôi, tuy nhiên cũng không giảm đột ngột đàn lợn, cần duy trì ổn định đàn lợn. 

Qua khảo sát thực tế, khi giá lợn hơi vẫn chưa tăng (hiện tại ở mức 30.000 - 31.000 đồng/kg lợn hơi) các hộ chỉ cần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra thiệt hại về số lượng, nâng cao năng suất đàn lợn thì vẫn bảo đảm hòa vốn hoặc lãi nhẹ từ chăn nuôi lợn. Về lâu dài, các hộ cần chuyển sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo mô hình VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm thịt lợn và sản xuất bền vững, từ đó nâng cao hiệu quả chăn nuôi lợn.

Quỳnh Lưu