Thứ 7, 16/11/2024, 20:47[GMT+7]

Hội Phụ nữ xã Minh Tân Phát triển tiểu thủ công nghiệp, nâng cao đời sống hội viên

Thứ 5, 08/09/2011 | 13:53:13
1,892 lượt xem
Năm 2010, thu nhập từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp toàn xã Minh Tân(Hưng Hà) là gần 40 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 17,11%, đưa Minh Tân trở thành xã nghề. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Hội Phụ nữ xã.

Nghề dệt chiếu thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia, đem lại thu nhập cao.

Xã Minh Tân (Hưng Hà) hiện có hơn 1800 lao động nữ tham gia làm các nghề tiểu thủ công nghiệp, thu nhập bình quân 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng, có chị đạt 3 triệu đồng/tháng. Do vậy, đời sống của chị em phụ nữ ngày càng được nâng cao, tỷ lệ chị em tham gia sinh hoạt Hội tăng lên đáng kể. Đó là kết quả tất yếu của việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) mà Hội Phụ nữ xã thời gian qua đã nỗ lực tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn làm theo.

 

Minh Tân trước đây là một xã thuần nông, người dân vốn cần cù, chịu thương, chịu khó bám ruộng, bám đồng, nhưng đất canh tác ở đây nhiều nơi có độ chua cao và trũng nên năng suất thấp, đời sống người dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng khó khăn. Vì vậy, Ban Chấp hành (BCH) Hội Phụ nữ xác định: Muốn nâng cao đời sống cho hội viên, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động chị em tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải chú trọng phát triển ngành nghề tạo việc làm tại chỗ.

 

Hàng năm, Hội Phụ nữ làm tốt công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, tín chấp mua phân bón trả chậm, mỗi năm hàng trăm tấn giúp chị em có điều kiện chăm sóc lúa và rau màu, cho năng suất cao. Cùng với việc hỗ trợ chị em phát triển nông nghiệp, BCH Hội tổ chức khảo sát, lập danh sách số lao động chưa có nghề, số hộ thiếu vốn, thiếu kiến thức.

 

Trên cơ sở đó, phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, HTX dịch vụ nông nghiệp, các nữ chủ cơ sở sản xuất nghề thủ công truyền thống mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực phát triển kinh tế gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng đến dạy các nghề: móc hộp, đan tấm cói, tấm lót sợi xuất khẩu, dệt may... cho hàng trăm lượt chị em. Rồi từ số các chị em được học bài bản ở lớp học tập trung, hội phụ nữ vận động những chị em có tay nghề cao hướng dẫn và trực tiếp truyền nghề cho các chị em khác không lấy tiền công, các chị em đó lại tiếp tục dạy nghề cho những chị em khác nữa... Hình thức nhân đôi, nhân ba này là một sáng kiến hay, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, vừa đỡ tốn kém tiền của, mỗi ngày lại thêm nhiều chị em vững tay nghề.

 

Bước tiếp theo, Hội vận động hội viên mạnh dạn mua máy dệt, máy may để phát triển nghề, đồng thời đứng lên tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội vay vốn hỗ trợ hội viên mua máy móc. Đến nay, toàn xã có gần 3000 lượt chị được vay, với số tiền trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền Hội tín chấp với ngân hàng không thể đáp ứng đủ cho tất cả các chị đang quyết tâm thoát nghèo bằng phát triển ngành nghề mình đã được học. Vậy là, Hội Phụ nữ lại đứng lên kêu gọi sự hỗ trợ từ chính các nữ chủ cơ sở sản xuất lớn cho mỗi chị em vay 5-7 triệu đồng. Có sự ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ tận tình của hội phụ nữ, các cơ sở sản xuất, số đầu máy dệt, máy may của xã tăng lên nhanh chóng: từ 140 máy dệt năm 2006 tăng lên 780 máy, từ 250 máy may tăng lên 1005.

 

Hiện nay số lao động nữ của Minh Tân làm và sống bằng nghề dệt, là hơn 1800 người, với mức thu nhập tương đối ổn định. Bằng việc du nhập, phát triển ngành nghề TTCN, Hội Phụ nữ đã góp phần giảm hẳn tình trạng “ly hương” tràn lan kiếm việc làm diễn ra nhiều năm qua ở Minh Tân, nâng cao đời sống hội viên.

 

Những việc mà Hội Phụ nữ làm thời gian qua  đã tạo động lực cho các nữ chủ cơ sở sản xuất nghề hăng hái tìm và du nhập ngành nghề mới về địa phương, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho không chỉ phụ nữ mà còn cho các đối tượng khác trong xã. Điển hình như chị Hiệu, thôn Kiều Trai, phát triển hai nghề đan tấm lót xuất khẩu và móc hộp, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Doanh nghiệp nghề của gia đình chị Mơ, thôn Quang Trung, ngay cả lúc khan hiếm nguyên liệu vẫn duy trì việc làm cho hơn 100 lao động, với mức thu nhập 2- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Thấy rằng tổ chức hội phụ nữ mang lại nhiều lợi ích và quyền lợi cho hội viên nên chị em tích cực tham gia sinh hoạt hội, sinh hoạt câu lạc bộ cũng như hưởng ứng các phong trào thi đua của địa phương. Hiện tỷ lệ thu hút hội viên của Hội Phụ nữ Minh Tân khá cao (đạt 80%). Vị trí, vai trò của tổ chức hội ngày càng quan trọng trong hệ thống chính trị của xã.

 

Năm 2006, Minh Tân mới chỉ có một làng nghề được tỉnh công nhận, nay đã tăng lên 5 làng nghề, còn một làng nghề đang nỗ lực phấn đấu được công nhận trong thời gian tới. 83% số hộ trong xã có nghề. Năm 2010, thu nhập từ ngành nghề TTCN toàn xã là gần 40 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 17,11%, đưa Minh Tân trở thành xã nghề. Trong mỗi kết quả đó đều có sự đóng góp không nhỏ của Hội Phụ nữ xã.

 

Thời gian tới, để các làng nghề duy trì và phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, các nữ chủ sản xuất nghề ở Minh Tân nói riêng, những người đang phát triển ngành nghề TTCN ở nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh tha thiết mong Nhà nước có giải pháp hữu hiệu giảm lãi suất ngân hàng, nâng cấp lưới điện, nâng nguồn kinh phí khuyến công giúp các xã, thị trấn mở lớp dạy nghề tại cơ sở.

           

Thu Hiền

  • Từ khóa