Thứ 7, 16/11/2024, 20:29[GMT+7]

Công nghiệp Tiền Hải Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Thứ 5, 15/09/2011 | 07:36:21
2,253 lượt xem
Cũng giống như bất kỳ mối đe dọa kinh tế nào khác, lạm phát chính là “lửa thử vàng” dành cho các doanh nghiệp. Tại Tiền Hải, 1 doanh nghiệp đã phá sản, 7 doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, 3 doanh nghiệp phải thực hiện chuyển nhượng, 40% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Mỗi đơn vị một chiến lược, một giải pháp, nhưng kể cả những doanh nghiệp thương hiệu nổi tiếng đều áp dụng “hòa để tiến”, chuyển từ chiến lược phát triển sang chiến lược ổn định.

Công ty CP Gốm sứ Thái Bình đầu tư hệ thống than hóa khí trên 10 tỷ, khắc phục tình trạng thiếu khí thiên nhiên.

Tiền Hải là một trong hai trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh. Tại đây có khu công nghiệp khí đốt, hai cụm công nghiệp và 27 làng, xã nghề. Ba năm qua, nhất là từ đầu năm 2011 đến nay công nghiệp của Tiền Hải đang gồng mình chống đỡ quyết liệt với những khó khăn, thách thức để tồn tại và hy vọng vượt qua giai đoạn này.

 

Chồng chất khó khăn

    

Sản xuất công nghiệp tập trung của Tiền Hải có 76 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư 1.683.641 triệu đồng. Những năm trước đây, công nghiệp Tiền Hải từng là niềm tự hào của tỉnh, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động; đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Chỉ tính riêng 23 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút 11.852 lao động với thu nhập bình quân 1,3- 1,7 triệu đồng/người/tháng.

 

Năm 2008, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến công nghiệp Tiền Hải. Trong lúc các doanh nghiệp còn đang loay hoay tìm “phương thuốc” thì từ đầu năm 2011 lại phát sinh thêm nhiều khó khăn mới như lạm phát tăng cao, kéo dài, lãi suất ngân hàng, giá xăng, giá điện... đồng loạt tăng, khiến giá trị sản xuất CN-TTCN của Tiền Hải quý II năm 2011 tuy đạt 610 tỷ đồng, tăng 18,45% so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 41,37% kế hoạch.

 

Chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại khu công nghiệp khí đốt Tiền Hải, nơi có 32/39 dự án đăng ký đầu tư  đã đi vào sản xuất, 2/3 số doanh nghiệp của khu công nghiệp này chuyên sản xuất gốm, sứ, thuỷ tinh. Tổng hợp giá nguyên nhiên liệu trong nước từ đầu năm đến nay tăng từ 15% - 20%. Giá đất sét trắng từ 500 ngàn đồng/tấn tăng lên 1 triệu đồng/tấn, giá than 3.601.000 đồng/tấn (tháng 6/2011) lên 4.243.000đ/tấn (tháng 8/2011)... Cùng với đó, xăng, dầu, điện, thuê nhân công v.v... cũng đua nhau tăng giá. Các loại nguyên liệu nhập ngoại tăng từ 100% -  300%, chẳng hạn như Ziccon silicat (hóa chất tạo men sứ) từ 25 triệu đồng/ tấn vọt lên 65 triệu đồng/tấn. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp khí đốt Tiền Hải hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí có đơn vị “siêu nhỏ”. Do vậy lãi suất tiền vay của các tổ chức tín dụng ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Suốt mấy năm qua, nhất là từ đầu năm 2011, các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất, doanh nghiệp phải huy động với mức lãi suất 23% - 25%/năm, thậm chí là 27%/năm. Một số doanh nghiệp tỏ ra “năng động” chuyển sang kênh huy động vốn bằng vàng, bỗng nhiên vàng “phi mã” một ngày thay đổi giá đến cả chục lần, leo đến ngưỡng ngất ngưởng, lâm vào nguy cơ phá sản. Thế mạnh khu công nghiệp Tiền Hải là nguồn khí đốt thiên nhiên nay đã cạn kiệt. Sản lượng khí cấp cho các doanh nghiệp cứ tụt dần, chỉ còn 1/3 so với trước, chất lượng khí cũng không bảo đảm, giảm 50% nhiệt lượng. Đã có các hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp như phá ống, chặn ống dẫn khí...  Bão giá, lạm phát làm nhiều công trình xây dựng cơ bản bằng ngân sách Nhà nước phải cắt giảm, sức mua trong dân kém, chi phí đầu vào sản phẩm tăng... làm cho thị trường tiêu thụ của sản phẩm sứ ở KCN khí đốt Tiền Hải sụt giảm nghiêm trọng. Tới đây các doanh nghiệp lại có thêm khó khăn mới đó là biến động về tiền lương, theo đó ước tính bình quân tiền đóng BHXH  mỗi doanh nghiệp tăng thêm từ 33 - 100 triệu đồng. Tất cả đều đưa vào giá thành sản phẩm. Đúng là khó khăn chồng chất khó khăn.

 

Muôn nẻo đường giải pháp

 

Cũng giống như bất kỳ mối đe dọa kinh tế nào khác, lạm phát chính là “lửa thử vàng” dành cho các doanh nghiệp. Tại Tiền Hải, 1 doanh nghiệp đã phá sản, 7 doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, 3 doanh nghiệp phải thực hiện chuyển nhượng, 40% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Mỗi đơn vị một chiến lược, một giải pháp, nhưng kể cả những doanh nghiệp thương hiệu nổi tiếng đều áp dụng “hòa để tiến”, chuyển từ chiến lược phát triển sang chiến lược ổn định.

 

Giám đốc công ty TNHH Sứ Đông Lâm (Dolacera) Trần Văn Dũng cho biết doanh nghiệp đang chờ thời cơ tính bước đi tiếp cho phù hợp, nhưng dù hoàn cảnh nào cũng cố gắng bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Thông qua tổ chức Đảng, Công đoàn... Công ty công khai tình trạng khó khăn của đơn vị để CBCNV cảm thông, chia sẻ. Đồng thời rà soát, phát động thực hành tiết kiệm toàn diện trong Công ty để giảm chi phí. Song song với đó, Công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hệ thống than hoá khí, khắc phục tình trạng thiếu khí tự nhiên, tiếp tục mở rộng thị trường, ưu tiên hệ thống phân phối để huy động và quay vòng tiền vốn nhanh. Do vậy, Công ty TNHH Đông Lâm vẫn ổn định sản xuất- kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập đều cho gần 1.000 lao động. 

 

Đối với Công ty cổ phần gạch men sứ Long Hầu, một đơn vị đã từng một thời bên bờ vực phá sản với cách đi riêng cũng giữ doanh thu, thu nhập của người lao động và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước ở mức trung bình. Giám đốc Công ty nhận định, dù ngân hàng hạ mức lãi suất tiền vay xuống 17-19%/năm nhưng cũng chưa hết khó khăn. Vì vậy Công ty có hướng sản xuất kinh doanh mới, bổ sung  sản xuất mặt hàng sứ dân dụng. Với chủ trương “một công nhân đảm nhận nhiều việc”, Công ty đào tạo một số công nhân  học thêm nghề mới, với mức phụ cấp trong thời gian học nghề 1 triệu đồng/ người/tháng.

 

Cùng với đó, Công ty tính toán lại các định mức KTKT để giảm chi phí đầu vào từ 20 – 30%. Tự điều chế lấy đất nguyên liệu thay cho đất mua từ Bát Tràng, tận dụng phụ liệu cải tiến tấm kè nung đốt… để hạ giá thành phẩm. Làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi được biết có những đơn vị vẫn làm ăn phát đạt như Công ty sứ Hảo Cảnh không những trụ vững, giữ được nhịp độ sản xuất - kinh doanh còn vừa đưa cơ sở thứ hai vào hoạt động (theo dự án mở rộng, khoảng 300 tỷ đồng) …Có thể thấy rõ, các doanh nghiệp ở Tiền Hải “trụ hạng” được đều áp dụng sáng tạo bài học “đem sức ta để giải phóng cho ta”, “tự cứu mình trước khi trời cứu”.

 

Với chủ chương, chính sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực của chính đội ngũ doanh nhân, cuộc khủng hoảng kinh tế rồi sẽ qua đi, lạm phát rồi sẽ hết. Qua cuộc tự “phẫu thuật” lần này, các doanh nghiệp thêm vững vàng, sản xuất- kinh doanh càng ổn định, phát triển. Mọi hy vọng đang chờ ở phía trước, “sau cơn mưa, trời sẽ sáng” đó không chỉ là niềm tin mà còn là quy luật.

 

Bài, ảnh: Đức Lợi

 

  • Từ khóa