Thứ 7, 16/11/2024, 20:28[GMT+7]

Hội Liên hiệp thanh niên xã Quỳnh Giao: Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Thứ 2, 19/09/2011 | 14:28:34
2,089 lượt xem
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thanh niên và được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức Đoàn, Hội đã tích cực giúp đỡ ĐVTN phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống cho thanh niên.  

Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật xã Quỳnh Giao, Chủ cơ sở may Bình Minh hướng dẫn kỹ thuật may cho công nhân.

Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ    6 chi hội thôn và 2 chi hội nhà trường với trên 1.000 đoàn viên, hội viên  thanh niên. Cũng như nhiều cơ sở Đoàn, Hội khác trong tỉnh, công tác Đoàn, Hội của Quỳnh Giao phải đối mặt với những khó khăn trong đoàn kết, tập hợp thanh niên bởi tỷ lệ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của địa phương đi làm ăn xa rất đông, chiếm gần 50%.

 

Trước những khó khăn đó, Ban chấp hành Đoàn, Hội luôn trăn trở: làm sao và làm như thế nào để tập hợp, thu hút ĐVTN đến với tổ chức Đoàn, Hội và coi Đoàn là người bạn đồng hành, là một địa chỉ tin cậy? Hơn nữa, để tập hợp được thanh niên, điều quan trọng là phải tạo điều kiện cho mỗi thanh niên ổn định cuộc sống, có thu nhập. Với mục đích đó, Hội LHTN xã đã xây dựng những phong trào gần gũi, thiết thực với thanh niên và luôn thực hiện đúng phương châm “chất lượng cơ sở là quan trọng, cán bộ là then chốt”.

 

Ngay từ đầu năm, Ban chấp hành Đoàn, ủy ban Hội LHTN xã đã chủ động xây dựng và triển khai các chương trình phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo tới từng đoàn viên, hội viên với nội dung chính là khuyến khích, nhân rộng các mô hình kinh tế; trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn. Tích cực phối hợp với những ngành chức năng mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng lúa, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp ĐVTN có kiến thức để phát triển kinh tế.

 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, Đoàn- Hội đã chủ động tiếp cận các chương trình, dự án vay vốn giải quyết việc làm cho thanh niên với số tiền trên 300 triệu đồng; vận động, tuyên truyền thanh niên trong xã chơi phường tương trợ, cho vay quỹ hội với lãi suất thấp. Có vốn, thanh niên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình như xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển nghề chế biến gỗ, may mặc, xây dựng cánh đồng thu nhập cao...         

 

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là cơ sở may Bình Minh, do hội viên, thanh niên khuyết tật Nguyễn Thị Hiền, đồng thời cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) thanh niên khuyết tật (TNKT) của xã. Nghị lực sống và vươn lên của chị ngay cả những người lành lặn, khỏe mạnh cũng phải kính phục. Mặc dù đi lại khó khăn nhưng chị vẫn quyết tâm theo học cấp 3, rồi theo học lớp Sơ cấp Dược. Năm 2001 sau khi tốt nghiệp chị trở về quê mở của hàng bán thuốc. Với bản tính cần mẫn, khéo léo, được bố mẹ giúp đỡ mua một chiếc máy khâu và mở cửa hàng cắt may tại nhà. Nhưng rồi, khi hàng may mặc công nghiệp tràn ngập, người đến tiệm cắt may quần áo thưa dần, chị xoay sang nhận gia công cho một số công ty may của huyện.

 

Đặc biệt, từ năm 2008, sau khi CLB TNKT của xã được thành lập, được sự giúp đỡ của Xí nghiệp may Hoàng Anh, chị đã đứng ra nhận công việc nhặt chỉ, tạo việc làm thường xuyên cho 7 người, với mức thu nhập từ 500.000- 900.000 đồng/người/tháng. Công việc này tuy thu nhập không cao nhưng đã tạo việc làm ổn định cho TNKT, đặc biệt là những người không có khả năng đi lại. Cuối năm 2010, dự án VVAF- Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Namon> hỗ trợ tiền mua 3 máy may công nghiệp, dụng cụ học tập. Với các thiết bị sẵn có, chị đã khai giảng lớp may K1- dạy nghề miễn phí cho 5 người khuyết tật.

 

Đầu năm 2011, được sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng và nguồn vốn tích lũy được chị Hiền đã thành lập cơ sở may Bình Minh với trên 20 máy may công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 28 công nhân, trong đó 10 người khuyết tật. Thu nhập của người lao động đạt từ 1,2- 2,8 triệu đồng/người/tháng. Chị tâm sự: Những ngày đầu rất khó khăn. Có ngày cao điểm, đang làm việc thì mất điện. Người lao động chưa quen tác phong công nghiệp, đang làm việc lại chạy về cho con ăn. Hàng đã đến ngày giao nhưng thích là họ nghỉ, đặc biệt là ngày mùa. Một mình phải lăn lội khắp nơi tìm nguồn hàng, hướng dẫn chị em nâng cao tay nghề. Vậy mà hiện chị vẫn dành thời gian theo học lớp Trung cấp Dược thuộc trường Cao đẳng Y Thái Bình.

 

Điểm đến tiếp theo là mô hình VAC của hội viên Phạm Tiến Đạt, thôn Sơn Đồng. Năm 2004, xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất 2 lúa úng trũng, kém hiệu quả, sang nuôi trồng thủy hải sản. Anh Đạt đã mạnh dạn nhận thầu trên 1 ha để thả cá kết hợp với nuôi lợn và vịt siêu trứng. Nhờ tính cần cù, chịu khó học hỏi, tuân thủ tốt yếu tố phòng dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm phát triển rất tốt, không xảy ra dịch bệnh. Thu nhập hàng năm đạt từ 70- 150 triệu đồng. Không chỉ biết làm giàu mà anh còn là một hội viên năng động, tích cực tham gia trong các phong trào của Hội LHTN xã.

           

Những mô hình kinh tế của thanh niên không còn hiếm gặp trên mảnh đất Quỳnh Giao hôm nay. Tuy không phải mô hình nào cũng cho thu nhập cao như vậy nhưng tất cả đã khẳng định thanh niên nông thôn ngày nay bằng sức trẻ, ý chí vươn lên họ đã làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương; góp phần chung sức xây dựng bộ mặt nông thôn mới theo hướng hiện đại.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa