Thứ 7, 16/11/2024, 20:26[GMT+7]

Không để doanh nghiệp tự định giá xăng dầu

Thứ 4, 21/09/2011 | 07:54:59
1,507 lượt xem
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại Hội thảo điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, diễn ra ngày 20.9 tại Hà Nội.

Giá xăng dầu hiện vẫn có định hướng và theo sự phê duyệt của cơ quan Nhà nước.

Doanh nghiệp lại đòi được tự định giá

 

Nhận định về tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá xăng dầu hiện nay chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường, còn có dấu ấn can thiệp của Nhà nước. Nguyên nhân khách quan là do lạm phát. Việc điều hành giá xăng dầu như vậy, theo ông Thỏa chỉ là "tình thế" nên ít nhiều đã gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và chưa phản ánh đúng giá trị thị trường xăng dầu.

 

Thực tế, cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu hiện nay "chốt" lại chỉ là vấn đề điều hành về giá. Ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) nêu thực tế, các văn bản, chỉ đạo về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường nhiều năm qua đều lúng túng trong điều hành giá. Các văn bản chỉ nêu giá dầu thô trong khi DN mua xăng, mazut, diezel... đều có giá cao hơn nhiều.

 

Việc lấy giá dầu thô để "soát xét" việc kinh doanh xăng dầu đã tạo dư luận không đúng, tác động đến các nhà quản lý, dẫn tới việc điều hành thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường đã bị "phá sản".

 

Cũng do cách điều hành này mà theo ông Bảo, các DN xăng dầu liên tục lỗ từ năm 2006 đến nay, trừ năm 2009 DN có lãi do được điều chỉnh giá 12 lần. “8 tháng đầu năm 2011, Petrolimex đã lỗ 1.800 tỷ đồng và tháng 9 này, lỗ của Petrolimex cũng xấp xỉ 200 tỷ đồng” - ông Bảo công bố.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng cho biết, "kinh doanh xăng dầu đang lỗ quá, nếu không sớm bù lỗ hệ thống phân phối, kinh doanh xăng dầu sẽ bị vỡ chỉ từ nay tới cuối năm". Tuy nhiên, việc lỗ lãi của các DN xăng dầu đã bị Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng "cần phải kiểm tra mới có thể biết".

 

Ông Huệ cho rằng, các DN xăng dầu sẽ phải báo cáo, hạch toán lỗ lãi từng mặt hàng trong kinh doanh xăng dầu, chứ không thể công bố lỗ "một cục" như vậy, và DN không thể nói “không biết lỗ lãi từng mặt hàng” như người đứng đầu Petrolimex phát biểu.

 

Ông Vương Đình Dung -Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội và ông Bùi Ngọc Bảo đều đề nghị, nên trao quyền định giá xăng dầu cho DN. Nhà nước chỉ nên xác định giá trần, thuế và ổn định các nguồn thu cho DN.

 

Lỗ nhưng không bỏ làm

 

TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, kinh doanh xăng dầu của ta hiện đang rơi vào tình trạng không có giá thị trường, không có cạnh tranh. Ông Ngô Trí Long - Viện phó Viện Nghiên cứu giá cả nêu thực tế: Petrolimex còn chiếm gần 60% thị phần và độc quyền như thế thì không thể để DN tự định giá xăng dầu. Nếu "thả" cho DN theo giá thị trường thì dân sẽ không chịu nổi vì cơ chế độc quyền sẽ luôn bảo vệ lợi ích của DN, đặc lợi sẽ thu được từ vị thế độc quyền của DN.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, từ nay tới cuối năm sẽ cố gắng không tăng giá xăng dầu mà sẽ sử dụng hết các giải pháp để bình ổn giá.

 

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, về giảm giá 500 đồng/lít xăng mới đây, Bộ Công Thương đã phản ứng dữ dội vì cho rằng, DN lỗ mà lại giảm giá. Song qua tính toán từ hải quan, Bộ Tài chính khẳng định, thời điểm giảm giá, Petrolimex lãi 780 đồng/lít xăng, chưa kể 300 đồng lãi định mức. Ông Huệ khẳng định đến thời điểm này chưa DN xăng dầu đầu mối nào tuyên bố sẽ bỏ kinh doanh xăng dầu do lỗ. Việc giảm giá xăng dầu đã khiến cho lạm phát giảm và là cơ sở để các ngân hàng hạ được lãi suất.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Tới đây chưa thể thả hoàn toàn giá xăng dầu theo thị trường và để DN tự định giá xăng dầu được, bởi giá cả thế giới còn diễn biến phức tạp và bất ổn kinh tế trong nước còn quá lớn. Ông Huệ cũng kiên quyết: Nhà nước sẽ không thể bù những chi phí bất hợp lý của DN xăng dầu. Các DN phải tự tính toán lại giá nhập, chiết khấu, chi phí kinh doanh, bộ máy của DN. DN kêu lỗ, Nhà nước không thể bù...

Theo Danviet

  • Từ khóa