Chủ nhật, 17/11/2024, 23:41[GMT+7]

Canh tác lúa bền vững

Thứ 3, 29/05/2018 | 08:39:31
4,037 lượt xem
Thái Bình là tỉnh duy nhất trong cả nước được lựa chọn thực hiện dự án sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP). Đến nay, dự án đang diễn ra ở vụ thứ 2 trong tổng số 6 vụ lúa, cũng là vụ cuối cùng của giai đoạn 1 - giai đoạn thử nghiệm.

Phần lớn lượng khí nhà kính phát thải ở giai đoạn chuẩn bị đất và gieo cấy lúa.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ An Đình, một trong những đơn vị tham gia dự án cho biết: Dự án đã tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp, đơn vị, thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, tạo thành phong trào. Qua đó “thức tỉnh” toàn xã hội quan tâm hơn tới nông nghiệp, công nghệ sản xuất lúa bảo đảm năng suất đi đôi với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Hiền, Giám đốc HTX SXKD DVNN thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) cho biết: Là một trong những địa phương được Công ty Cổ phần Giống cây trồng, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lựa chọn làm điểm thực nghiệm để triển khai mô hình tham gia dự thi dự án, qua 2 vụ thử nghiệm, bằng cảm quan tôi thấy lúa trong mô hình phát triển tốt, cây khỏe, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn ruộng đối chứng. Quá trình thực hiện mô hình, HTX phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, ghi chép, học hỏi công nghệ được đơn vị triển khai để tiến tới lan tỏa mô hình ra diện rộng. 

Bà Vũ Thị Lâm, nông dân được lựa chọn tham gia dự án cho biết: Trước đây, trong canh tác lúa, chúng tôi có thói quen bón đạm mỗi khi thấy lúa có biểu hiện sinh trưởng kém, còi cọc. Tuy nhiên, từ khi tham gia dự án, bón phân theo đúng thời gian đơn vị khuyến cáo, cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, giảm chi phí đầu vào, cây lúa khỏe, ít sâu bệnh.

Với mục tiêu xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án AVERP có 2 giai đoạn: giai đoạn thử nghiệm (vụ mùa năm 2017, vụ xuân năm 2018), 11 đơn vị dự thi trên cả nước tham gia trình diễn các gói công nghệ giảm phát thải và tăng năng suất trên ruộng thực nghiệm của tỉnh Thái Bình; giai đoạn nhân rộng (từ vụ xuân năm 2019 đến vụ mùa năm 2020) các gói công nghệ được lựa chọn ở giai đoạn 1 sẽ được triển khai nhân rộng. Cuối vụ 6, ba đơn vị tham gia tranh giải đạt điểm cao nhất về số nông hộ tham gia, sử dụng lặp lại công nghệ, tổng lượng khí thải cắt giảm, tỷ lệ tăng năng suất trung bình sẽ được trao giải thưởng. 

Bà Trần Thu Hà, Giám đốc dự án tại Việt Nam cho biết: Chúng tôi hài lòng với những kết quả đã đạt được đến thời điểm này. Còn quá sớm để đánh giá về toàn bộ dự án nhưng qua từng vụ, các đơn vị tham gia có chuyển biến rõ rệt. Chúng tôi nhận thấy sự đầu tư thời gian, tâm huyết, tập trung nguồn lực để gói công nghệ được triển khai hiệu quả nhất, các đơn vị tham gia một cách tự nguyện, tự tin với công nghệ của mình.

AVERP không chỉ là một cuộc thi nhằm lựa chọn đơn vị thắng cuộc mà quan trọng hơn là tìm kiếm, vinh danh công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất lúa và nhân rộng cho hàng nghìn nông hộ, từ đó thay đổi thái độ, điều chỉnh hành vi để canh tác lúa bền vững.

"Đề án AgReults là một sáng kiến đồng tài trợ trị giá 123 triệu đô la Mỹ từ chính phủ Úc, Canada, Anh, Mỹ và quỹ Bill & Melinda Gates với mục tiêu khuyến khích và trao thưởng cho các sáng kiến nông nghiệp mang lại tác động bền vững, thúc đẩy an ninh lương thực, sức khỏe, dinh dưỡng toàn cầu và vì lợi ích của các nông hộ. Đề án AgReults được phát kiến vào tháng 6/2010 tại hội nghị G20 tại Toronto, nơi các nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy các phương pháp tiên tiến dựa vào kết quả nhằm khai thác các ý tưởng sáng tạo về an ninh lương thực, cải thiện năng suất từ khối kinh tế tư nhân ở các nước đang phát triển. Đề án đang triển khai 5 dự án tại Kenya, Uganda, Zambia, Nigeria, Việt Nam và 1 dự án toàn cầu."


Mục tiêu dự kiến của dự án:
  • Hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 75.000 nông hộ khu vực đồng bằng sông Hồng;
  • Giảm tới 375.000 tấn CO2 tương đương;
  • Giảm khoảng 15% chi phí cho các nông hộ do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào;
  • Đề xuất các phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực nghiệm và kiểm định quốc tế nhằm nhân rộng tại Việt Nam.


Lưu ngần