Thứ 7, 16/11/2024, 20:41[GMT+7]

Để phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hoá hiệu quả và bền vững

Thứ 6, 30/09/2011 | 10:14:32
1,605 lượt xem
Để phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hoá có hiệu quả và bền vững thì yếu tố bảo đảm an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm là sự cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải được thực hiện đồng bộ các giải pháp, theo phương châm “phòng bệnh là chính, chữa bệnh là quan trọng”.

Để phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hoá có hiệu quả và bền vững thì yếu tố bảo đảm an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm là sự cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Ảnh minh họa

Trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Thái Bình, những nơi chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán không thực hiện tốt việc tiêm vắc - xin thì dịch bệnh rất hay phát sinh và lây lan, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi; đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo phương thức công nghiệp thực hiện nghiệm ngặt về kiểm soát dịch bệnh thì chưa xảy ra rủi ro nào. Do đó, theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, để phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hoá hiệu quả, bền vững nhất thiết phải tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

 

Những “thảm hoạ” dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

 

Trong những năm qua, dịch bệnh gia súc, gia cầm đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi, đặc biệt một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật còn lây nhiễm sang người như bệnh cúm gia cầm, bệnh dại, liên cầu khuẩn ở lợn...Các địa phương trong tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, đồng thời ý thức về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm còn hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến những “thảm hoạ” gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi.

 

Năm 2004, dịch cúm gia cầm đã xảy ra 272 ổ dịch ở 111 thôn của 45 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố; tổng số trên 1,4 triệu con gia cầm trong diện phải tiêu huỷ, ước thiệt hại là 15 tỷ đồng, bao gồm cả kinh phí chống dịch và rớt giá sản phẩm chăn nuôi. Thiệt hại nghiêm trọng hơn đó là kinh phí phải chi cho các hoạt động xã hội, công tác y tế....lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đối với dịch tai xanh trên đàn lợn, đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007, gây thiệt hại lớn cho các gia trại, trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

 

Đặc biệt là năm 2008, dịch tai xanh đã bùng phát trên diện rộng, xảy ra tại 28 xã của 4 huyện, thành phố làm 9.447 con lợn bệnh phải tiêu huỷ, ước thiệt hại khoảng 585 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ chủ hộ chăn nuôi, tiêu trùng khử độc, hoạt động chốt kiểm dịch...chưa kể các thiệt hại khác về xã hội. Tiếp đến năm 2010, dịch tai xanh đã quay trở lại ở 23 xã, thuộc 4 huyện, thành phố, với số lợn mắc bệnh là 10.674 con, trong đó 3.304 con phải tiêu huỷ, thiệt hại ước tính 525,71 tỷ đồng.

 

Cùng với sự nguy hại của bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng cũng là mối đe doạ lớn cho ngành chăn nuôi. Năm 2006, dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại 18 xã, với số gia súc mắc bệnh phải tiêu huỷ là 360 con, gồm 224 con trâu, bò, bê và 136 con lợn, thiệt hại khoảng 442,4 tỷ đồng. Ngoài bệnh tai xanh, lở mồm long móng, đàn lợn còn mắc một số loại bệnh khác như bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu và phó thương hàn cũng gây tổn thất khá lớn cho các chủ hộ chăn nuôi lợn.

 

Điển hình như năm 2010, có 87.463 con lợn bị ốm do các bệnh trên, số lợn ốm phải xử lý là 2.355 con; bình quân hàng năm các bệnh “đỏ” trên đàn lợn gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng/ năm. Thực tế cho thấy, dịch tai xanh trên đàn lợn ở hai năm 2007 và 2010 chủ yếu rơi vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại quy mô nhỏ. Các trang trại chăn nuôi lớn, chủ động được tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định và thực hiện tiêu độc định kỳ, kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập gia súc ra, vào trại...đều tránh được dịch bệnh tai xanh.

 

“Nơi” khởi nguồn dịch bệnh

 

Hiện nay, chăn nuôi đang phát triển nhanh cả về quy mô và cơ cấu đàn, song chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu, gần 90%. Các hình thức chăn nuôi này hầu như chưa chủ động kiểm soát được dịch bệnh do cơ sở vật chất chuồng trại, thức ăn, quản lý vẩn chuyển, vệ sinh phòng bệnh...đặc biệt công tác tiêm phòng vắc - xin chưa tốt. Tính chủ động phòng bệnh của người chăn nuôi nhỏ lẻ rất hạn chế nên tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin còn thấp, nhất là phòng bệnh đỏ của lợn  mới đạt khoảng 10 – 12% so với tổng số đàn. Việc khử trùng bằng hoá chất tại các hộ chăn nuôi này hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu phòng dịch, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; trong khi đó lượng hoá chất hỗ trợ chỉ có hạn.

 

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, giết mổ ở các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguồn bệnh ở các ổ dịch lớn đa phần do lây lan từ ngoài vào thông qua vận chuyển, giết mổ. Đồng thời năng lực hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu chống dịch, bị động trong công tác phát hiện, xác minh và xử lý dịch bệnh. Đội ngũ thú y viên chưa có chế độ phụ cấp, chủ yếu là hưởng công tiêm phòng và công thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở địa phương. Tuy nhiên, công tiêm phòng, chống dịch trả cho đội ngũ thú y cơ sở lại không cao bằng công lao động phổ thông, dẫn tới lực lượng này không nhiệt tình tham gia. Nhiều xã thiếu lực lượng tiêm phòng, chống dịch phải huy động cả y tế viên, do dó tiến độ tiêm vắc - xin chậm, tỷ lệ đạt thấp...Với những khó khăn, tồn tại trên là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát và lây lan ra diện rộng.

 

Phòng bệnh là chính, chữa bệnh là quan trọng

 

Để phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hoá có hiệu quả và bền vững thì yếu tố bảo đảm an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm là sự cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải được thực hiện đồng bộ các giải pháp, theo phương châm “phòng bệnh là chính, chữa bệnh là quan trọng”. Trước hết các cấp, ngành, cở sở phải tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi thấy rõ trách nhiệm, cũng như lợi ích của chính mình trong việc tự giác phòng chống dịch bệnh. Tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng bổ sung đạt tỷ lệ trên 90% so với gia súc, gia cầm trong diện tiêm vắc xin; tiêm phòng định kỳ tổ chức 2 lần/ năm; tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm. Đầu tư xây dựng trụ sở và tổ chức hoạt động các chốt kiểm dịch liên ngành thường xuyên tại cầu Tân Đệ (Vũ Thư), cầu Triều Dương (Hưng Hà), bến Hiệp (Quỳnh Phụ). Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, ký hợp đồng với cán bộ thú y xã để thực hiện kiểm soát giết mổ tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong tỉnh. Thành lập các đội giám sát dịch bệnh tại các thôn, xóm và đội phản ứng nhanh để bảo đảm phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý ngay sau khi phát hiện, xác minh dịch bệnh...                      

                                                                                

Nguyên Bình

           

 

 

 

  • Từ khóa