Thứ 7, 16/11/2024, 20:22[GMT+7]

Nông dân “xót lòng” sau cơn bão số 5

Chủ nhật, 02/10/2011 | 15:34:26
2,524 lượt xem
Nhìn những cánh đồng lúa sắp đến ngày thu hoạch đổ rạp, bông xếp chồng lên nhau kín cả mặt ruộng mà lòng ai nấy xót xa, nhẹ cũng giảm năng suất 15%, có nơi giảm tới 60% năng suất. Những gương mặt đen sạm vì nắng gió, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đều tần ngần nói chung câu “giá như bão vào muộn hơn mấy ngày nữa là thu hoạch cơ bản xong lúa mùa thì “dạ dày” của nông dân đỡ bị tổn thương hơn...”. Tin, bài liên quan: >> Toàn tỉnh thiệt hại trên 800 tỷ đồng do cơn bão

Ảnh: Thành Tâm

Mặc dù tâm bão số 5 không đi trực tiếp vào Thái Bình, nhưng do nằm trong vùng ảnh hưởng với sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 8 đã gây thiệt hại khá lớn cho lĩnh vực trồng trọt. Theo tính toán sơ bộ ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 40 nghìn ha lúa mùa bị đổ và 9 nghìn ha cây vụ đông đã trồng bị ảnh hưởng, giá trị thiệt hại là 273,9 tỷ đồng. Nhìn những cánh đồng lúa sắp đến ngày thu hoạch đổ rạp, bông xếp chồng lên nhau kín cả mặt ruộng mà lòng ai nấy xót xa, nhẹ cũng giảm năng suất 15%, có nơi giảm tới 60% năng suất. Những gương mặt đen sạm vì nắng gió, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đều tần ngần nói chung câu “giá như bão vào muộn hơn mấy ngày nữa là thu hoạch cơ bản xong lúa mùa thì “dạ dày” của nông dân đỡ bị tổn thương hơn...”.

 

Đến sáng ngày 1/10/2011, trời vẫn còn nhiều mây, mưa rả rích khắp các địa phương trong tỉnh, nhiều hộ nông dân đã ra đồng dựng từng gốc lúa buộc vào nhau để tránh bông bị ngâm nước, nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. Chúng tôi đi dọc các cánh động từ xã Tân Hoà đến xã Tân Phong (Vũ Thư), hầu như lúa đều bị đổ 100% diện tích, nhẹ thì đổ khum khum, nặng thì nằm ẹp xuống mặt ruộng.

 

Chị Đặng Ngọc Dung ở xã Tân Phong đang cặm cụi, nhẹ nhàng vớt từng khóm lúa đang vào thời kỳ xanh chắc để buộc vào nhau, thấy có người đến hỏi, chưa biết là ai, chị đã nói một hồi về những gì cơn bão số 5 gây ra cho người dân nơi đây. Chị Dung cho biết: Bao nhiêu công sức của người dân từ đầu vụ đến nay đã không được đền đáp xứng đáng; khi bắt tay vào sản xuất vụ mùa trời nắng gay gắt nhưng ai cũng bám ruộng không kể sớm hôm để cho kịp thời vụ; rất may là lúa mùa sinh trưởng phát triển tốt, bông nào cũng to mẩy nhiều hạt; ai ngờ chỉ trong vài tiếng đồng hồ bão quật đổ sạch; có được thu hoạch, ít cũng giảm 40% năng suất; nhà tôi cấy 5 sào thì 3 sào bị đổ rạp mặt ruộng...

 

Bà Trần Thị Hứa, thôn 7 xã Phúc Thành (Vũ Thư) cứ đi loanh quanh thửa ruộng của mình, khuôn mặt thẫn thờ tiếc nuối như đang muốn trách trời, trách đất đã làm đổ lúa của bà. Bà Hứa tâm sự, hai vợ chồng tôi đã già cả, vất vả lắm mới cấy được 3 sào, lúa rất tốt, bông nào cũng to cả, chỉ ít hôm nữa là được gặt, vậy mà bây giờ các chú nhìn đấy chả còn gì, đổ hết; do không có lao động nên tôi chưa thể dựng lúa trong lúc trời mưa thế này, phải chờ nước rút, mưa tạnh mới ra dựng lúa lên được; nếu trời thương không mưa nữa thì thân già này mới còn có cái mà ăn...Nghe mà quặn lòng với sự vất vả của những người nông dân, quanh năm chỉ biết trông chờ vào hai vụ lúa, có được ăn hay không điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

 

Rời những cánh đồng lúa xiêu vẹo, đổ rạp ở Vũ Thư, chúng tôi ngược lên bến phà Tịnh Xuyên sang vùng đất Hưng Hà, đây là một trong những “vựa” lúa của tỉnh. Cũng không khác gì Vũ Thư, đặt chân lên đất Hưng Hà, suốt chặng đường từ xã Hồng Minh đến Độc Lập, Hồng An, Tiến Đức...những cánh đồng lúa đều đã vào mẩy nằm đổ rạp xuống mặt ruộng, bông xếp lên nhau nhìn mà xót xa. Anh Lê Nguyên Tân, Bí thư Đảng bộ xã Hồng An cho biết, diện tích lúa bị đổ hẳn ở đây khoảng trên 30% (80 ha), năng suất giảm khoảng 30 - 40%, chủ yếu rơi vào các giống lúa năng suất cao, như BC15, Khang dân 18; cây vụ đông đã trồng được trên 120 ha, trong đó có 5 - 6 ha ngô sớm hỏng 100%, diện tích còn lại thiệt hại khoảng 15%. Tổng giá trị thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra đối với lúa mùa và cây vụ đông ở Hồng An là trên 400 triệu đồng.

 

Mặc dù trời vẫn đang mưa khá to, nhưng nông dân nơi đây đã tập trung tương đối đông ra đồng dựng lúa và chuẩn bị thu hoạch để trồng cây vụ đông ưa ấm. Chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Việt Thắng cho biết, nhà chị cấy 3 sào BC15 đều đổ rạp mặt ruộng hết, năng suất mất khoảng 20%; thiệt hại về năng suất đã đành, nhưng người dân lại còn phải thêm chi phí thuê người dựng lúa, như nhà chị phải thuê 3 lao động để dựng, mỗi lao động là 100 nghìn đồng/ ngày, nếu không dựng ngay để lúa ngâm nước là hỏng hết... Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Nếu tính lúa đổ gù, khom và đổ rạp mặt ruộng thì nơi đây bị gần như 100% diện tích; riêng đổ gần rạp và rạp hẳn gần 50% diện tích; thiệt hại về năng suất khoảng 20%. Để khắc phục nhanh tình trạng này, giảm tối đa thiệt hại ở vụ lúa mùa, Hưng Hà đã thành lập các đoàn kiểm tra xuống từng xã rà soát diện tích lúa bị đổ, đôn đốc các xã, thị trấn vận động bà con khẩn trương ra ruộng dựng lúa; diện tích nào lúa chín trên 80% tiến hành gặt; đồng thời theo dõi diễn biến của rầy nâu, sâu đục thân để phòng trừ.

 

Quỳnh Phụ là huyện có diện tích lúa mùa gặt sớm và gieo trồng cây vụ đông nhiều nhất tỉnh cũng không tránh khỏi sự thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra. Một số nơi chúng tôi đi cho thấy, lúa cận kề ngày thu hoạch và cây vụ đông đã trồng như ở xã Quỳnh Nguyên, Quỳnh Bảo đều bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Phạm Thị Tuyết, xã Quỳnh Bảo vừa cặm cụi dựng và trồng lại ớt cho biết, gia đình chị cấy 6 sào lúa, có đến 4 sào cấy bằng giống BC15, Bắc thơm bị đổ hẳn, giảm năng suất từ 60 – 70%; nguyên nhân do lúa mùa gặp mưa lớn ở đầu tháng 9 nên dù bông có hạt nhưng nép bóng rất nhiều, đợt này kết hợp lúa bị đổ dẫn đến càng giảm năng suất; không chỉ gây thiệt hại ở lúa, một sào ớt chị đã trồng gần tháng nay đều bị gẫy, hoặc chết chột, tổng  phải trồng dặm lại mất gần 500 nghìn đồng tiền giống.

 

Toàn bộ diện tích lúa mùa và cây vụ đông bị ảnh hưởng do cơn bão số 5 gây ra trong toàn tỉnh là trường hợp “bất khả kháng”. Mọi người dân đều hiểu được rằng các cấp uỷ, chính quyền đã nỗ lực rất nhiều để phòng, chống, nhưng cũng không thể nào che chắn được gió bão trên đồng ruộng. Đây là khó khăn chung cần phải tập trung khắc phục hậu quả; do đó trong thời gian này, các hộ nông dân cần tranh thủ ra đồng dựng lại lúa, diện tích nào chín trên 80% có thể gặt, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trừ rầy nâu, sâu đục thân và chăm sóc, gieo trồng cây vụ đông cho kịp thời vụ.

                                                                                                     

Nguyên Bình

  • Từ khóa