Chủ nhật, 17/11/2024, 23:48[GMT+7]

Khuyến cáo sử dụng chế phẩm, phân vi sinh trong xử lý rơm rạ và cải tạo đất

Thứ 2, 25/06/2018 | 17:06:40
3,342 lượt xem
Đó là nội dung chính tại hội nghị đầu bờ đánh giá hiệu quả việc sử dụng chế phẩm AT-YTB và phân vi sinh Azotobacterin trong xử lý rơm rạ và cải tạo đất vụ mùa 2018 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào chiều ngày 25/6 tại xã Đông Hải (Quỳnh Phụ).

Các đại biểu tham quan mô hình sử dụng chế phẩm AT-YTB và phân vi sinh Azotobacterin để xử lý rơm rạ và cải tạo đất tại xã Đông Hải (Quỳnh Phụ).

Qua mô hình khảo nghiệm được Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện tại xã Vũ Phúc (Thành phố) ở vụ mùa năm 2017 cho thấy, khi ruộng được sử dụng chế phẩm AT-YTB để xử lý rơm rạ cho kết quả tốt về khả năng phân hủy nhanh chất hữu cơ có trong đất và phân hủy nhanh các chất có hại cho cây trồng như: H2S, NH4+,… từ đó hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ khi phải làm đất xổi, tạo độ tơi xốp cho đất, giữ được phân bón và cung cấp thêm một số chất cần thiết tạo cho cây phát triển cân đối, hạn chế sâu bệnh.

Đối với phân vi sinh Azotobacterin sử dụng cho lúa giúp tạo ra đạm sinh học vì vậy giảm từ 50 – 100% lượng đạm U rê hoặc NPK so với công thức bón đại trà; giúp kích thích sinh trưởng, tăng năng suất cây trồng từ 25 – 30%; giúp cây có sức đề kháng; giảm hàm lượng nitrat độc hại trong nông sản tạo ra nông sản an toàn. Sử dụng phân vi sinh Azotobacterin bón lót giai đoạn cày dập rạ giúp phân hủy rơm, rạ thành mùn hữu cơ  trên đồng ruộng chỉ sau 7 ngày, có tác dụng cải tạo đất, tăng khả năng nảy mầm của hạt, tăng khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt.

Từ những kết quả trên, ở vụ mùa năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm AT-YTB và phân vi sinh Azotobacterin tại nhiều địa điểm, trong đó có xã Đông Hải (Quỳnh Phụ). 

Qua tham quan, đánh giá đồng ruộng, đa số đại biểu đều ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm, phân vi sinh trong xử lý rơm rạ, cải tạo đất, đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện nhân rộng các mô hình trong những vụ tiếp theo.

Lưu Ngần